Trào ngược axit dạ dày xảy ra do cơ vòng thực quản (van) bị yếu hoặc giãn. Thông thường, van này đóng chặt sau khi thức ăn đi vào dạ dày. Nếu cơ vòng giãn bất thường, thức ăn trào ngược từ dạ dày lên thực quản.
Người bệnh có thể bị nghẹn khi nuốt thức ăn đặc, uống nước hoặc nuốt nước bọt. Triệu chứng kèm theo khác có thể gồm đau họng, đau khi nuốt, ho, nghẹt thở, cảm giác thức ăn vướng sau xương ức gây khàn tiếng. Yếu tố có thể dẫn đến tình trạng này là do thói quen ăn uống không khoa học, tăng áp lực vùng bụng (mang thai), tác dụng phụ từ thuốc (thuốc chống trầm cảm, thuốc chống hen suyễn, thuốc giảm đau xương khớp), bệnh thoát vị hoành...
ThS.BS.CK1 Đoàn Hoàng Long, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật Nội soi Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết chẩn đoán bệnh nuốt nghẹn do trào ngược dạ dày thường dựa vào nhiều khía cạnh bao gồm triệu chứng, tiền sử bệnh lý, chế độ ăn uống, thuốc đang dùng.
Bác sĩ có thể chỉ định người bệnh làm thêm một số xét nghiệm, chụp chiếu như nội soi đường tiêu hóa trên, chụp X-quang đường tiêu hóa trên, đo độ pH trở kháng thực quản 24h hay đo nhu động thực quản. Tùy vào mức độ bệnh và tổn thương ở thực quản, bác sĩ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp, bao gồm điều trị nội khoa, kết hợp thay đổi lối sống hay phẫu thuật đối với trường hợp biến chứng nặng.
Điều trị nội khoa
Uống thuốc là phương pháp điều trị ưu tiên đối với chứng khó nuốt do trào ngược dạ dày. Bác sĩ Long cho biết người bệnh thường được chỉ định dùng thuốc ức chế bơm proton (PPI) để giảm axit dạ dày và kiểm soát các triệu chứng, liều dùng thường là một ngày một lần. Nhóm thuốc chẹn H2 cũng có thể giúp cải thiện triệu chứng song ít có khả năng phục hồi những tổn thương ở thực quản.
Thay đổi lối sống
Đây là biện pháp quan trọng trong quá trình điều trị chứng nuốt nghẹn do trào ngược dạ dày. Người bệnh cần lưu ý ăn uống như không dùng đồ uống có cồn, không hút thuốc lá để tránh kích ứng thực quản nghiêm trọng, làm tăng triệu chứng ợ nóng và nuốt nghẹn. Chia thành nhiều bữa nhỏ thay vì ăn ba bữa một ngày. Ưu tiên món mềm, lỏng, hạn chế thực phẩm có tính kết dính như mứt, bơ đậu phộng... Cắt nhỏ thức ăn để dễ nuốt hơn.
Người bệnh nên đi khám định kỳ để trao đổi về vấn đề dinh dưỡng. Tình trạng nuốt nghẹn nặng do trào ngược dạ dày có thể ảnh hưởng đáng kể đến đến dinh dưỡng và hiệu quả hấp thụ vitamin, khoáng chất cần thiết của cơ thể.
Phẫu thuật
Người bị trào ngược dạ dày nghiêm trọng, khó nuốt, không đáp ứng với thuốc, có thể cần can thiệp phẫu thuật kịp thời để tránh biến chứng nguy hiểm về sau. Một số phương pháp phổ biến gồm phẫu thuật củng cố cơ vòng thực quản (Fundoplication), phẫu thuật nội soi qua đường miệng (TIF), cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ thực quản khi ung thư thực quản.
Bệnh nuốt nghẹn do trào ngược nếu không được điều trị có thể dẫn đến các biến chứng ảnh hưởng đến chất lượng sống, sinh hoạt và tính mạng. Người bệnh có thể bị viêm, loét, hẹp thực quản, các vấn đề về hô hấp, barrett thực quản, ung thư thực quản.
Bác sĩ Long khuyến nghị người có triệu chứng khó nuốt, đau họng, ho do trào ngược, cần khám và điều trị kịp thời, sống lành mạnh để kiểm soát bệnh.
Thảo Nhi
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp |