Trả lời:
Khi trẻ chào đời, da bao quy đầu dài ôm sát quy đầu dương vật để che đậy, bảo vệ khỏi tác nhân gây bệnh. Hẹp bao quy đầu là tình trạng vòng bao quanh siết chặt, thắt nghẹt quy đầu.
Trẻ gặp tình trạng này có nguy cơ tích tụ bã nhờn, nước tiểu, cặn bẩn, khó vệ sinh, dẫn đến viêm quy đầu, viêm nhiễm đường tiết niệu. Vi khuẩn từ niệu đạo có thể đi ngược dòng tấn công bàng quang và các cơ quan khác như niệu quản, thận.
Ở một số trẻ, da quy đầu ôm rất chặt, khó kéo xuống khỏi bộ phận sinh dục. Khi trẻ lớn lên, phần da này chít hẹp làm tắc nghẽn lưu thông máu, gây sưng phù, đau, thậm chí dẫn tới hoại tử. Vi khuẩn tấn công tinh hoàn khiến chức năng sản xuất tinh trùng bị ảnh hưởng, tăng nguy cơ vô sinh về sau. Quy đầu và phần bao bị viêm nhiễm mạn tính có thể khiến tế bào biến đổi, hình thành khối u dẫn đến ung thư dương vật.
Hẹp bao quy đầu ở trẻ em được chia thành hai dạng là sinh lý (thường không gây ảnh hưởng lớn và tự hết khi trẻ 5-7 tuổi) và bệnh lý (do tổn thương vật lý hoặc bệnh như sẹo, nhiễm trùng, viêm). Phần lớn trường hợp trẻ bị hẹp bao quy đầu sinh lý.
Tùy vào các dạng, nguyên nhân và độ tuổi của trẻ, bác sĩ điều trị phù hợp. Các phương pháp điều trị hiện nay như hướng dẫn thực hiện nong da quy đầu tại nhà hoặc can thiệp tại bệnh viện; phẫu thuật cắt bao quy đầu. Việc sử dụng thuốc cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ.
Tình trạng này khá phổ biến, xảy ra ở 96% trẻ sau khi chào đời. Cha mẹ nên vệ sinh cơ quan sinh dục cho trẻ, nhất là vùng da bên dưới da quy đầu bằng xà phòng dịu nhẹ và nước ấm; không sử dụng các loại hóa chất, dung dịch vệ sinh, mỹ phẩm của người lớn cho trẻ; cho trẻ cắt bao quy đầu nếu được bác sĩ đồng ý.
Bác sĩ Đoàn Ngọc Thiện
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh nhi sơ sinh tại đây để bác sĩ giải đáp |