Quả bơ thường được sử dụng trong nhiều món ăn cho trẻ em nhờ dễ chế biến, thơm ngon, bổ dưỡng. Trẻ ở tuổi ăn dặm, khoảng 6 tháng tuổi có thể ăn được bơ. Kết hợp thực phẩm này vào chế độ ăn thường xuyên cho các bé có thể mang đến một số lợi ích.
Cung cấp nhiều chất dinh dưỡng
Quả bơ chứa nhiều chất dinh dưỡng quan trọng. Không chỉ cung cấp một lượng lớn axit béo không bão hòa đơn mà loại quả này còn có nhiều vitamin C, E, K, B2, B3, B9, và axit pantothenic, magiê, kali. Chúng cũng có lutein, beta carotene (tiền chất của vitamin A) đều là những chất quan trọng với khỏe tổng thể. 100 g bơ có 160 calo, 8,5 g carbohydrate, 6,7 g chất xơ, chưa đến 1 g đường.
Tốt cho não
Quả bơ chứa nhiều axit folic (còn gọi là folate hoặc vitamin B9), khoảng 81 mcg trong mỗi khẩu phần 100 g. Axit folic rất cần thiết cho sự phát triển bình thường của hệ thần kinh. Không chỉ axit folic mà omega-3 trong bơ cũng hỗ trợ các chức năng não. Đưa quả bơ vào chế độ ăn có thể giúp trẻ ghi nhớ tốt hơn, cải thiện khả năng nhận thức cũng như kết quả học tập.
Hỗ trợ chức năng cơ xương
Lượng kali có trong một quả bơ nhiều kali hơn chuối. Bổ sung lượng kali là điều cần thiết cho hoạt động bình thường của các cơ xương. Điều này đóng vai trò quyết định trong sự phát triển các kỹ năng vận động ban đầu ở trẻ như bò, đi, đứng...
Cung cấp chất béo để trẻ tăng trưởng
Quả bơ rất giàu chất béo nhưng đây là chất béo tốt, rất cần thiết cho trẻ tăng trưởng. Khoảng một nửa quả bơ (100 g) chứa 14,7 g chất béo. Chất béo rất cần thiết cho mọi tế bào trong cơ thể. Ăn chất béo lành mạnh hỗ trợ sức khỏe làn da, tăng cường hấp thụ các vitamin tan trong chất béo, khoáng chất, các chất dinh dưỡng khác, còn gồm cả hệ thống miễn dịch. Ba mẹ có thể cho con ăn một quả bơ mỗi ngày mà không lo bị thừa cân, miễn là hạn chế kết hợp với đồ ngọt như sữa, kem, đường.
Tăng cường khả năng miễn dịch
Một số vi chất dinh dưỡng và vitamin trong bơ có chức năng tăng cường miễn dịch. Trong đó, vitamin B6 rất cần thiết để duy trì khả năng miễn dịch khỏe mạnh, bảo vệ trẻ khỏi nhiều loại bệnh tật.
Cải thiện thị lực
Các chất chống oxy hóa lutein và zeaxanthin trong quả bơ là thành phần chính cấu tạo nên điểm vàng của mắt. Cấu tạo hoàn chỉnh này giúp mắt nhìn rõ được mọi vật. Chúng cũng có thể bảo vệ mắt khỏi tác động thoái hóa của tia cực tím từ ánh sáng mặt trời.
Bơ ngon và bổ dưỡng nhất khi ăn phần thịt của quả chín. Chế biến hoặc đun nóng trực tiếp có thể khiến lượng dầu trong quả bơ kém hấp dẫn hơn. Ba mẹ chế biến phần thịt quả bơ theo nhiều cách để đa dạng bữa ăn cho con.
Bơ nướng: Cắt đôi quả bơ, bỏ hạt, sau đó cắt chiều dọc thành lát mỏng. Đặt các lát bơ lên vỉ nướng và nướng trong 10 phút.
Ăn trực tiếp: Lấy phần thịt quả ra đĩa và dùng nĩa để nghiền nát. Trẻ có thể ăn phần bơ nghiền nát mà không cần chế biến thêm.
Xay sinh tố, kem: Cho phần thịt quả bơ vào máy xay, thêm một ít nước và xay cho đến khi đạt được độ sệt mong muốn. Bạn có thể xay bơ với sữa công thức để tăng thêm hương vị.
Bảo Bảo (Theo Momjunction, Healthline)
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh trẻ em tại đây để bác sĩ giải đáp |