Theo bác sĩ Trần Thị Trà Phương, Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome, trẻ nên ăn dặm từ 6 tháng tuổi nếu sinh đủ tháng. Trẻ có thể tự cầm nắm ăn nhưng phải đảm bảo không bị hóc; người lớn không ép bé ăn; không bón bột, cháo khi trẻ đang khóc vì dễ gây sặc, hại đường hô hấp, gây viêm phổi. Phụ huynh cần lựa chọn thực phẩm rõ nguồn gốc cho con.
Bữa ăn của bé cần đủ các nhóm chất dinh dưỡng gồm: bột đường (ngũ cốc, các loại khoai củ...) để cung cấp năng lượng và tinh bột; chất đạm (thịt, cá, trứng...) bổ sung các loại protein, acid amin thiết yếu mà cơ thể không tự tổng hợp; nhóm chất béo (dầu, mỡ động vật, bơ...) cung cấp năng lượng chính trong khẩu phần, hấp thu vitamin D, A, bổ sung dinh dưỡng thiết yếu cho bộ não. Cuối cùng, trẻ cần dung nạp các nhóm vitamin và chất khoáng như rau xanh, rau củ và quả chín.
Bác sĩ Trà Phương lưu ý, trẻ ăn dặm cần tuân thủ các nguyên tắc như: tập làm quen dần với từng loại thức ăn, lượng thức ăn tăng dần theo tuổi, phù hợp với từng trẻ. Mẹ nên cho bé ăn thức ăn lỏng, mềm, sau đó chuyển dần sang thức ăn dạng miếng phù hợp.
Phụ huynh cũng nên cho trẻ ăn đa dạng thực phẩm, thường xuyên thay đổi món phù hợp với khẩu vị bé. Mẹ chế biến thức ăn dễ nhai, nuốt, đảm bảo cung cấp đủ năng lượng. Dụng cụ chế biến vệ sinh, sử dụng nguồn nước sạch, phụ huynh rửa trước khi nấu thức ăn cho con.
Bác sĩ Phương cho biết thêm, một số phụ huynh cho trẻ ăn dặm dưới 6 tháng tuổi dễ dẫn đến nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe. Bởi lẽ, khi trẻ ăn thức ăn bổ sung, cơ thể cần thời gian để tiêu hóa thực phẩm, từ đó sẽ bú sữa mẹ ít hơn. Trẻ có nguy cơ không nhận đủ chất dinh dưỡng, dễ chậm phát triển, giảm đề kháng vì thiếu các yếu tố miễn dịch có trong sữa mẹ. Đồng thời, bé dễ mắc rối loạn tiêu hóa, đi ngoài phân sống lẫn thức ăn... do thức ăn bổ sung không dễ tiêu hóa như sữa mẹ.
Ăn dặm quá sớm cũng dẫn đến tăng nguy cơ dị ứng vì trẻ chưa có đủ men tiêu hóa một số loại protein có trong thức ăn.
Hoài Thương