Hơn một năm rời xa quê hương, căn phòng trọ tại Long An của vợ chồng chị Phạm Thị Thanh Hương vang tiếng con trẻ. "Tết này nhà mình vui nhất", anh Phạm Văn Thành, 29 tuổi, chồng chị, vừa ẵm con gái vừa nói hôm 19/12.
![Vợ chồng chị Hương bên con gái vừa chào đời. Ảnh: Nguyễn Toàn](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2023/12/20/2-5-4451-1703048189.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Iz1_Q965YEkVG-NuxK-tNw)
Vợ chồng chị Hương bên con gái vừa chào đời. Ảnh: Nguyễn Toàn
Kết hôn 5 năm trước, chị Hương có thai ngay nhưng bị sẩy ở tuần thứ 7. Ba tháng sau, chị tiếp tục đậu thai nhưng lại mất ở tuần thứ 8. Đi khám, sức khỏe sinh sản của vợ chồng đều bình thường, chị lại có thai nhưng chỉ duy trì đến tuần thứ 9.
Liên tục mất con khiến tâm trạng chị Hương không tốt, láng giềng nói ra vào. Anh Thành thuyết phục vợ đóng cửa quán nước nhỏ đang kinh doanh, còn anh nghỉ việc công nhân để vào miền Nam "tìm con" bằng kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm (IVF).
"Bố mẹ ủng hộ, vợ chồng tôi quyết định không làm IVF gần nhà mà đi xa để thay đổi môi trường sống, giảm bớt áp lực xung quanh, tâm lý thoải mái hơn", anh Thành cho hay.
Cuối năm 2022, bằng tiền dành dụm, họ di cư vào miền Nam, ở trọ tại tỉnh Long An, gần người họ hàng để được hỗ trợ.
Đến khám ở Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, BS.CKII Vũ Nhật Khang cho biết chị Hương mắc chứng tăng đông máu Thrombophilia do đột biến gene. Đây là nguyên nhân khiến bệnh nhân sẩy thai liên tiếp trước đó.
Theo Trung tâm Thông tin Công nghệ sinh học Quốc gia Mỹ, sẩy thai liên tiếp là ba lần trở lên bị sẩy thai trước 20 tuần. Đến 40-50% trường hợp là do nguyên nhân tăng đông máu. Tình trạng này làm giảm lưu lượng máu qua tĩnh mạch của người mẹ, dẫn đến huyết khối tĩnh mạch sâu, huyết khối ở mạch máu nhau thai, thai nhi bị chậm phát triển hoặc sẩy.
![BS.CKII Vũ Nhật Khang khám online miễn phí cho vợ chồng vô sinh ở xa. Ảnh: Như Ngọc](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2023/12/20/z4948627875412-32f14a294db9900-3286-2208-1703048189.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=XhGZYTH3jXQwJgzacSMRfg)
BS.CKII Vũ Nhật Khang khám online miễn phí cho vợ chồng vô sinh ở xa. Ảnh: Như Ngọc
Với những trường hợp bị tăng đông máu, khi thực hiện kỹ thuật IVF, bác sĩ áp dụng sàng lọc phôi tiền làm tổ giúp lựa chọn được phôi không bất thường di truyền chuyển vào lòng tử cung mẹ, thai phát triển khỏe mạnh.
Chị Hương được kích thích buồng trứng với phác đồ nhẹ, thu 19 trứng trưởng thành. Các chuyên gia phòng lab thụ tinh ống nghiệm, nuôi cấy được 9 phôi ngày 5 chất lượng tốt. Toàn bộ phôi được sàng lọc, phát hiện 4 phôi bất thường di truyền, 5 phôi bình thường được trữ đông.
Tết 2023, lần đầu tiên vợ chồng chị đón năm mới nơi quê người, sẵn sàng cho đợt chuyển phôi ngay sau Tết. Tháng 2/2023, chị Hương được chuyển một phôi tốt vào tử cung và đậu thai. Chị được theo dõi thai kỳ hàng tuần và dự phòng các nguy cơ sẩy thai sớm.
"Khi thai kỳ 9 tuần, chúng tôi thở phào bởi đã qua các mốc sẩy thai trước đó", bác sĩ Khang nói, thêm rằng sau 12 tuần thai, chị Hương được chuyển đến Trung tâm Sản Phụ khoa để tiếp tục theo dõi thai kỳ.
Tháng 11, vợ chồng chị đón con gái đầu lòng chào đời khỏe mạnh, đặt tên là Phạm Tâm Anh để tri ân các bác sĩ. "Tôi hạnh phúc không nói nên lời. Quyết định gác lại mọi thứ để vào miền Nam tìm con là xứng đáng", chị Hương nói.
Một tháng tới, khi con cứng cáp hơn, gia đình nhỏ sẽ về Hà Nội. "Tết năm ngoái vợ chồng khăn gói xa quê đi 'tìm con'. Tết này, ba người trở về đúng nghĩa đoàn viên", anh Thành nói, thêm rằng vợ chồng sẽ bắt đầu lại cuộc sống. Vài năm tới, họ dự định tiếp tục "Nam tiến" để rã đông phôi sinh thêm con.
Theo bác sĩ Khang, bên cạnh chứng tăng đông máu, phụ nữ có thể sẩy thai liên tiếp do nhiều bất thường khác về di truyền, bất thường trong tử cung, các bệnh lý trước khi mang thai. Do đó, phụ nữ sẩy thai từ ba lần liên tiếp trở lên nên đi khám và điều trị sớm.
Hoài Thương
Độc giả đặt câu hỏi về vô sinh hiếm muộn tại đây để bác sĩ giải đáp |