Chương trình Lịch sử ở phổ thông đang rất nặng, chú trọng vào ghi nhớ số liệu và các diễn biến. Đó là cảm nhận chung của nhiều thế hệ học sinh, giáo viên về việc dạy và học môn Sử. Với thời khóa biểu có hạn, giáo viên không thể đào sâu vào bất kỳ sự kiện nào mà phải dạy dàn trải cho hết chương trình được giao. Cách đảm bảo nhất để không cháy giáo án là thầy cô giảng lướt qua, học trò ghi chép và rồi kết thúc tiết học. Có khi chỉ trong thời lượng 45 phút nhưng giáo viên phải dạy hết một cuộc chiến tranh kéo dài bốn năm.
Nói về lý do khiến nhiều học sinh cảm thấy chán ngán với việc học Lịch sử ở phổ thông, độc giả Bình Minh Mưa cho rằng chính cách ra đề thi, kiểm tra theo lối mòn đã biến đây trở thành môn học thuộc lòng: "Con gái tôi năm học lớp 4 rất say mê môn Sử, thường xuyên đòi mẹ mua sách lịch sử về để đọc thêm. Nhưng đến năm lớp 6, con bắt đầu chuyển sang chán ghét môn Sử. Vì sao lại như vậy? Câu trả lời chính là cách dạy của giáo viên.
Giáo viên dạy Sử năm lớp 4 thường xuyên kể cho các con nghe những câu chuyện lịch sử. Chỉ nghe cô kể mà các con nhớ được Dương Vân Nga là ai, Đinh Bộ Lĩnh là ai, có công lao, vai trò như thế nào đối với đất nước, gắn với sự kiện lịch sử nào...? Nhưng sang lớp 6, cô dạy khô khan, chủ yếu kể lể sự kiện, loanh quanh các con số ngày, tháng, năm... Lâu dần, các con thấy chán, buồn ngủ, mệt mỏi và chẳng còn muốn học môn Sử chút nào.
Tôi tin rằng, hầu hết mọi người đều thích nghe kể chuyện về lịch sử, vấn đề chúng ta sẽ kể như thế nào mà thôi. Tại sao chương trình sách giáo khoa không soạn khác đi, thay vì cứ liệt kê sự kiện? Tại sao không gắn sự kiện với các nhân vật lịch sử, kể lại câu chuyện lịch sử xoay quanh các nhân vật nổi bật đó, có sự kiện, có dấu mốc, có cả có giai thoại...?
Thay vì thầy cô thuyết trình lại như cái máy thì sao giáo viên không kể chuyện, để học sinh tìm hiểu thêm dựa vào hướng dẫn của cô và kể lại chuyện cho lớp nghe; hoặc đóng lại vở kịch về nhân vật lịch sử đó... Làm như vậy, tôi tin giờ học Lịch sử sẽ không còn khô khan, nhàm chán nữa.
Nhưng quan trọng nhất, theo tôi, vẫn phải là cách thức ra đề kiểm tra, đề thi. Nếu cứ quanh quẩn "trình bày, phân tích, nêu ý nghĩa của sự kiện" thì tôi chắc chắn giáo viên có muốn thay đổi cách dạy cũng không được. Cuối cùng, người dạy vẫn phải quay về cách dạy cũ để còn đảm bảo các em nhớ được các con số ngày, tháng, năm mà đem đi thi nữa".
>> Khi 'dân' chuyên Toán phải thi Lịch sử
Lịch sử hiện chưa được đặt đúng vị trí là một môn khoa học. Do đó, vai trò của người thầy rất quan trọng là tạo được niềm đam mê, hứng khởi cho người học. Trong thời buổi công nghệ thông tin, trách nhiệm của người dạy Sử càng quan trọng hơn, bởi học sinh được tiếp cận nhiều luồng thông tin lịch sử trên mạng xã hội với những bài viết thuyết phục. Người thầy khi đó phải rất giỏi, đủ kiến thức để làm mũi neo cho trò, giúp họ nhận thức đúng.
Đánh giá cao tầm quan trọng của đội ngũ giáo viên dạy Sử trong việc quyết định chất lượng và giá trị của môn học này, bạn đọc Nguyen Tra My nhấn mạnh: "Hồi xưa, tôi học khối A nên môn Lịch sử chỉ học cho qua. Mặc dù có trí nhớ khá tốt nhưng tôi cũng rất ám ảnh với những ngày ngồi ê a học thuộc những kiến thức lê thê đầy con số ngày, tháng, năm của môn Sử. Sau này rảnh rỗi, tôi mới ngồi đọc hết quyển 'Đại Việt sử ký toàn thư' và tìm hiểu rất nhiều sách lịch sử gắn liền với những câu chuyện. Từ đó, tôi mới phát hiện ra lịch sử cũng chứa đựng nhiều thứ hay ho và kiến thức tự nhiên đi vào đầu không cần gượng ép.
Con của tôi may mắn hơn, bé được học trong môi trường năng động nên thấy môn Lịch sử cũng khá lý thú. Trên lớp, mỗi chủ đề lớn được giáo viên chia thành các chủ đề nhỏ và chia nhóm cho các bé làm dự án. Để dự án của nhóm có nội dung đặc biệt và sáng tạo, bọn nhỏ đã lục tung nhiều quyển sách và tìm hiểu thêm trên mạng để rút ra những kiến thức và nhận định mới lạ. Để có thể phản biện lại trình bày của nhóm khác, các bé cũng chịu khó tìm hiểu tường tận, đặt ra những câu hỏi ấn tượng nhất.
Vì có động lực và hứng thú như vậy nên kiến thức môn học cũng tự nhiên đi vào đầu các con. Lớp con tôi còn có bé ham nghiên cứu lịch sử đến nỗi cứ đến tiết Sử là bạn đó 'chiếm sóng' bài giảng của cô. Có nhiều hôm các bạn học sinh thi nhau bàn tán trao đổi, cô giáo chỉ việc ngồi nghe và tổng kết kiến thức, chỗ nào đúng thì cô công nhận, chỗ nào chưa đúng thì cô chỉnh sửa, thế nên bọn nhỏ rất hào hứng với môn này".
>> 'Lịch sử không phải môn học thuộc lòng'
Sắp tới, chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới, được phê duyệt từ 2018, sẽ triển khai vào các cấp học. Theo đó, Lịch sử sẽ trở thành môn học tự chọn. Thông tin này làm dấy lên tranh luận. Nhiều người ủng hộ nhưng số khác cho rằng như vậy là không thỏa đáng với vị trí đặc biệt quan trọng của môn Sử; thậm chí lo ngại sẽ khiến các thế hệ sau lãng quên quá khứ, ảnh hưởng đến tình yêu đất nước.
Khẳng định giá trị của lịch sử, độc giả Tuấn cho rằng cần có sự thay đổi toàn diện trong cách dạy và học để môn Sử không còn là "cơn ác mộng" của học sinh: "Cháu tôi theo ngành Khoa học tự nhiên, tất nhiên, môn Sử sẽ không được ưu tiên như ba môn Toán, Lý, Hóa ấy. Dù vậy, lý do chính khiến cháu tôi cùng các bạn khác trong lớp với không thích Sử là bởi môn này khá nhàm chán và thiếu sự sáng tạo. Nhàm chán vì chúng chỉ nghe một chiều, trong khi thực tế luôn mong muốn tìm hiểu các góc nhìn khác nhau. Còn sự sáng tạo ở Lịch sử tất nhiên rất ít, nhưng vấn đề ở đây là cách dạy của giáo viên và chương trình của Bộ. Cháu tôi nói rằng, mỗi lần hết tiết Sử là đứa nào cũng có một giấc ngủ ngon lành.
Đúng là ai cũng cần phải biết về Lịch sử. Nhưng truyền đạt đến học sinh thế nào để chúng không thấy khô khan và dễ chán lại là chuyện khác. Ở nước ngoài, họ đề cao đến sự tìm tòi, sáng tạo, góc nhìn đa chiều của học sinh. Dĩ nhiên, làm vậy cũng có hệ lụy là dễ dẫn đến những nhìn nhận sai lệch về sự thật. Nhưng đó là lúc vai trò của người giáo viên phát huy tác dụng để điều chỉnh kịp thời những quan điểm sai.
Dù gì đi nữa, chốt lại, Lịch sử vẫn là một môn học quan trọng. Bản thân môn học này không chán, nhưng chính cách dạy và chương trình quá khô khan và cục mịch đã biến môn Sử trở thành cơn ác mộng đối với các học sinh. Tôi cho rằng, chúng ta cần một sự thay đổi toàn diện để lấy lại niềm hứng khởi cho các tiết học Lịch sử".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.