Môn lịch sử ngày nay bị phụ huynh cũng như học sinh coi là "môn phụ", có cũng được mà không có cũng không sao". Thậm chí trong nhà trường, ban giám hiệu và chính các giáo viên bộ môn khác cũng có quan niệm như vậy. Thế thì làm sao người dạy sử, người học sử có động lực để dạy, để học?
Nhưng đặt vấn đề điểm thi môn lịch sử thấp, học sinh bây giờ không còn mặn mà với sử thì đó là sự lo lắng quá mức. Không học thuộc sử để làm bài thi, ít chọn môn lịch sử để theo học... không có nghĩa là học sinh không yêu nước, thương nòi. Đánh đồng hai khái niệm "không thích học" và "không yêu nước" là chưa thỏa đáng.
Lớp trẻ bây giờ thực tế hơn, chúng biết học những cái gì có ích sau này cho bản thân, phấn đấu tự mình lo cho thân mình sau này. Còn chuyện học sử để có kiến thức thì có thể học từ nhiều nguồn, bằng nhiều cách chứ không phải duy nhất một cách từ nhà trường, từ những bài trong sách giáo khoa.
Theo tôi, tuổi trẻ mỗi thời một khác. Hãy để các em yêu nước bằng cách của mình, bằng những gì thuộc về truyền thống, đã hóa thành máu thịt trong mỗi con người Việt Nam... Xin những người lớn đừng lo lắng quá mức. Tôi biết học sinh ngày nay vẫn rất giàu lòng yêu nước, giàu lòng thương người, biết sẻ chia, đồng cảm...
Điểm môn Lịch sử có thấp không đồng nghĩa lòng yêu nước đi xuống. Trái lại, lòng yêu nước vẫn luôn thường trực, đong đầy, được thể hiện muôn hình muôn vẻ như đời sống vậy.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây, hoặc về bandoc@vnexpress.net.