Tuy không đủ chiều cao, cân nặng và là "độc đinh" trong nhà, nhưng nghe lời kêu gọi, ông độn thêm sỏi trong túi quần, đi dép đế cao, để được đi B. Sau mấy tháng tập luyện, ông cùng đồng đội băng rừng, đi bộ từ Bắc vào Nam, dọc dãy Trường Sơn, vòng qua Lào, mới đến chiến trường.
Trong một trận đánh khốc liệt, ông bị đạn găm qua ngực, không thể di chuyển về đơn vị. Lính Mỹ tìm thấy ông trong bụi cây, kịp thời băng bó vết thương, đưa đi cấp cứu.
Lịch sử, bằng cách đó, đã được kể lại từ một người trong cuộc gần gũi và đáng tin cậy, nên với tôi, nó dần trở thành môn học hấp dẫn kỳ lạ. Hết phổ thông, cậu bé mắt tròn xoe nghe kể chuyện đã có thể "đàm đạo" với ông về những trận đánh thời chống Pháp như Việt Bắc, Biên giới Thu Đông, Điện Biên Phủ; hay chống Mỹ, như trận Ấp Bắc, Vạn Tường; chiến dịch Mậu Thân (1968); chiến dịch Hồ Chí Minh; 12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không...
Những cuộc trò chuyện là nơi ông giúp tôi có cái nhìn đầy đủ hơn, bên cạnh số liệu về quân địch bị diệt, máy bay bị bắn rơi, xe tăng bị cháy... hay thời gian bắt đầu, kết thúc cuộc chiến... mà chúng tôi được yêu cầu học thuộc để chuẩn bị cho các cuộc thi.
Sau này, công việc của một nhà báo cho tôi cơ hội tiếp xúc với nhiều nhà sử học, có thêm góc nhìn mới về lịch sử nước nhà. Tôi hiểu rằng, như mọi môn học khác, để hiểu được lịch sử là quá trình học tập không ngừng nghỉ, không giới hạn ở việc bạn học bao nhiêu năm trong chương trình phổ thông.
Sắp tới, chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới, được phê duyệt từ 2018, sẽ triển khai vào các cấp học. Từ lớp 10, học sinh chỉ học 7 môn và hoạt động bắt buộc gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng an ninh, Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp, Nội dung giáo dục của địa phương.
Học sinh lựa chọn năm môn khác từ ba nhóm môn, mỗi nhóm ít nhất một môn: Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật); Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học); Công nghệ và Nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật - Âm nhạc và Mỹ thuật).
Như vậy, trừ Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1 là bắt buộc, các môn còn lại bình đẳng như nhau, đều được tự chọn.
Thông tin này làm dấy lên tranh luận. Nhiều người ủng hộ đưa Lịch sử (như một số môn học khác) thành môn tự chọn ở giai đoạn định hướng nghề nghiệp. Nhưng số khác cho rằng như vậy là không thỏa đáng với vị trí đặc biệt quan trọng của môn Sử; thậm chí lo ngại, lịch sử - nếu không được giảng dạy đầy đủ trong nhà trường - sẽ khiến các thế hệ sau lãng quên quá khứ, ảnh hưởng đến tình yêu đất nước.
Tôi hiểu cơ sở của những nghi ngại, trong đó quan trọng nhất là tình trạng học sinh chán môn Sử. Năm 2013, khi Bộ Giáo dục và Đào tạo thông báo sẽ không thi tốt nghiệp môn Sử, học sinh một trường trung học ở TP HCM đã đồng loạt ra ban công ăn mừng bằng cách xé sách, trong đó có đề cương môn Sử. Niềm vui hồn nhiên của các em trở thành lo ngại lớn lao, ám ảnh người lớn.
Hình ảnh này cũng đặt ra câu hỏi về một khía cạnh khác: Tại sao học sinh lại chán Sử hơn hẳn những môn học khác? Câu trả lời đã được nhiều chuyên gia phân tích: do cách học và thi môn này. Một lãnh đạo Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, từng cắt nghĩa: học sinh không thích, bởi môn Sử đang được huy động như một môn minh họa cho chính trị. Sinh thời, nhà sử học Phan Huy Lê - đại thụ của nền sử học Việt Nam - cũng nhiều lần nêu quan điểm, môn Lịch sử phải đổi toàn bộ, toàn diện.
Tôi tìm đọc lại chương trình sách giáo khoa lịch sử trong trường phổ thông hiện nay; rất nhiều thay đổi so với trước, nhưng vẫn rất nặng về ngày tháng, sự kiện, con số, theo trật tự thời gian, trải dài từ nguyên thủy đến hiện đại. Cách viết sách, đã khách quan hơn, nhưng vẫn chưa thoát khỏi góc nhìn một chiều từ các quan điểm đã định hình sẵn.
Trong khi đó, trên các diễn đàn dành cho những người yêu môn Sử, tôi chứng kiến những cuộc tranh luận sôi nổi của hàng nghìn bạn trẻ về những chi tiết, có thể chưa từng xuất hiện trong sách giáo khoa hoặc về những nhận định, đánh giá nhân vật có thể không trùng khớp hoàn toàn với sách giáo khoa... Họ có khao khát mãnh liệt tìm hiểu xem thực sự điều gì đã xảy ra, có những điểm gì còn khuất lấp...
Trong công việc làm báo, tôi cũng thấy rõ những bài viết về các chủ đề lịch sử như cuộc chiến vệ quốc ở biên giới phía Bắc chống quân Trung Quốc xâm lược, hải chiến Hoàng Sa (1974), hải chiến Trường Sa (1988)... luôn được rất nhiều bạn đọc quan tâm. Những sự kiện này, chỉ được trình bày hạn chế, hoặc chưa được đề cập trong sách giáo khoa lịch sử.
Sử học có sức hấp dẫn to lớn. Nếu học sinh vẫn coi đây là môn học nhàm chán, thì tôi cho rằng, các cuộc tranh luận nên tập trung vào việc thay đổi cách dạy và học môn này, thay vì bàn cãi học bao nhiêu năm trong nhà trường mới đủ.
Học Lịch sử, như bất kỳ môn nào khác, trước hết là để hiểu biết. Học Sử để hiểu biết về những tình thế đất nước đã trải qua, cách dân tộc và con người Việt Nam đã lựa chọn để đối diện với những tình thế đó, các bài học rút ra và ảnh hưởng của chúng tới hiện tại.
Tôi tin con người có tình yêu tự nhiên với Tổ quốc - nơi mình sinh ra. Không phải cứ ép buộc học Sử là sẽ hun đúc được lòng yêu nước.
Nhưng sự hiểu biết đúng đắn và đầy đủ về đất nước được truyền tải qua môn Lịch sử, sẽ khiến cho tình yêu đất nước - thứ tình cảm tự nhiên - trở nên sáng suốt và bền chặt hơn.
Viết Tuân