Chia sẻ về câu chuyện "Con tôi 'đánh vật' với hai trang đề cương thi học kỳ môn Sử", nhiều độc giả VnExpress bày tỏ quan điểm cho rằng thái độ học Sử của học sinh quan trọng hơn phương pháp dạy của giáo viên:
Học lịch sử vốn dĩ là học về các sự kiện xảy ra trong quá khứ. Sự kiện phải gắn với thời gian, nếu không chẳng có ý nghĩa gì. Nếu biết một sự kiện gì đó đã diễn ra mà không biết thời gian chúng ta sẽ không hiểu tiến trình phát triển. Học Lịch sử để biết quá khứ, hiểu hiện tại, từ đó hướng đến tương lai. Nhiều bạn nói đúng, nhiều nước rất coi trong lịch sử trong trường học, coi đó là môn chính và bắt buộc vì họ hiểu tầm quan trọng của lịch sử.
Nếu nói về khô khan, nhàm chán tôi nghĩ không chỉ môn Lịch sử. Ví dụ như Toán: nhiều học sinh học về sin, cos, tan chẳng hạn, có khi cũng không biết học để làm gì, cũng cảm thấy rất nặng nề, không hiểu, không học được. Sau này ra cuộc sống, trừ những người làm việc chuyên ngành, thì hầu như không đụng đến kiến thức đó nữa. Nhưng tại vì nó là môn chính, nó quan trọng để sau này thi Đại học và xin việc, nó thể hiện cho sự thông minh, nên học là điều đương nhiên mặc dù nhiều kiến thức không biết học để làm gì? Ai không học được thì xã hội sẽ nghĩ do người đó kém thông minh, chứ cũng ít khi chú ý đến lượng kiến thức hay phương pháp dạy của giáo viên.
Còn môn Lịch sử thì hết yêu cầu lượng kiến thức thế này, đến phương pháp dạy phải thế này thế kia. Những cái đó đương nhiên cũng cần thiết và quan trọng, nhưng không quan trọng bằng thái độ học tập của người học và của cả xã hội. Tôi nói thế để lấy ví dụ chứ không có ý kiến gì về môn Toán. Tôi chỉ muốn nói, nhiều người có cái nhìn phiến diện và chưa đúng về môn Lịch sử và việc học lịch sử.
Tôi từng chuyên Sử, đi thi quốc gia nhưng bây giờ nếu ai hỏi sự kiện đó xảy ra ngày mấy tháng mấy chưa chắc nhớ hết, cùng lắm là những sự kiện quan trọng. Nhưng quan trọng là việc học sử không phải nhớ hết ngày tháng năm mà quan trọng là những gì đã từng xảy ra trong quá khứ để rút ra bài học kinh nghiệm, để biết những gì đã từng xảy ra trong quá khứ mới có được ngày hôm nay, ta sẽ trân trọng và tự hào nó.
Hơn nữa, học sử sẽ cho ta thấy những tấm gương tiêu biểu trong quá khứ, họ đã trải qua những gì để trở thành người đời đời được mến mộ, khi mến mộ họ thì ta sẽ phấn đấu được như họ. Làm người, ai cũng muốn kiếm cho mình một hình mẫu để ngưỡng mộ, nhưng quan trọng là thay vì ngưỡng mộ mấy thần tượng ca nhạc Hàn Quốc, Âu - Mỹ, Việt Nam hay mấy hiện tượng mạng nhảm nhí, những nhân vật ngôn tình... thì sao ta không ngưỡng mộ một vĩ nhân nào đó trong lịch sử?
Bạn chưa tìm hiểu thì chỉ thấy họ khô khan, nghiêm túc, nhàm chám, nhưng một khi đã hiểu về họ rồi thì bạn sẽ thấy họ hơn hẳn những thần tượng mà giới trẻ đang ngưỡng mộ. Họ cũng lịch lãm, lãng mạn, lịch thiệp, hào hoa lại có đức độ cao cả. Những sự kiện lịch sử đã từng xảy ra trong quá khứ cũng có sức hấp dẫn, mê hoặc hơn là mấy thước phim, truyện chưởng trong kiếm hiệp, xuyên không.
Học Lịch sử mà không nhớ ngày tháng sự kiện thì còn gì là lịch sử. Vấn đề là ở cách học và cách dạy. Nếu nhớ số liệu theo kiểu học thuộc lòng như bảng cửu chương thì khó khăn là phải rồi. Tôi rất thích môn Lịch sử. Và khi học Lịch sử là phải gắn kết sự kiện với cả một quá trình tiến triển của sự kiện. Học ngay lúc thầy dạy chứ không để đến lúc ôn tập mà học thì việc phải nhớ ngày, tháng, sự kiện chính xác là chuyện nhỏ.
Học Lịch sử với tư tưởng đối phó thì không thể nhớ được gì. Giờ trên mạng có đầy thông tin về các cột mốc lịch sử, thậm chí còn mô tả chi tiết hơn sách giáo khoa. Cái quan trọng là người học có thích hay không? Nếu thật sự yêu thích thì họ sẽ tự động tìm hiểu.
Đồng ý với quan điểm của đa số. Nhớ năm 2004 thi vào ĐH Văn hóa Hà Nội, tôi được 9 điểm Sử. Tổng 15,5 trang giấy A4. Một phần quan trọng là cách học. Học Sử là học sự kiện và phân tích sự kiện.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.