Chia sẻ quanh bài viết "Lý do thầy và trò đều 'ngán' môn Sử", nhiều độc giả VnExpress cho rằng việc học sinh có tâm lý này xuất phát bởi việc dạy học quá chú trọng đến các số liệu khô khan:
Con tôi học lớp 6, đề cương thi học kỳ môn Sử được gom gọn lại chỉ có hai trang. Tưởng dễ nhưng thật sự là một thách thức vì đó là hai trang tổng kết của những con số: ngày tháng và sự kiện. Hai cha con tôi phải "đánh vật" với cái đề cương, ráng tìm cách để gắn kết con số và sự kiện. Theo tôi, sự kiện và ý nghĩa của nó mới là cái quan trọng mà học sinh cần nhớ. Ngày, tháng thì khi học sinh cần đã có nhiều công cụ tra cứu. Đừng biến học lịch sử trở thành cuộc thi "siêu trí tuệ" thách thức trí nhớ trong ma trận ngày, tháng.
Môn Sử chứ có phải thống kê đâu mà toàn bắt học sinh ghi nhớ từng con số cho mỗi sự kiện? Tôi từng là người giỏi Sử và đọc rất nhiều sách về sử xưa, các vị anh hùng,... theo dòng lịch sử. Nhưng với kiểu thi như bây giờ, tôi cầm chắc điểm liệt.
Lúc nhỏ, tôi hay đọc sách Lịch sử và cho rằng đây sẽ là môn mình thích nhất. Nhưng từ lớp 6 bắt đầu học có hệ thống cho đến hết lớp 12 thì Sử là môn tôi "ngán" nhất trong tất cả các môn. Sau khi lên Đại học rồi ra trường, đi làm, tôi lại tìm lại niềm đam mê với lịch sử khi không còn phải học thuộc lòng những con số khô khan trong sách giáo khoa.
Học lịch sử khó nhất là nhớ ngày, tháng sự kiện, mà có nhớ để thi xong rồi lâu lâu cũng quên, hỏi lại cũng chẳng nhớ, chỉ cần đọng lại là lịch sử đã trải qua như thế nào thì mới nhớ mãi mà không cần ôn tập.
Hồi trước tôi rất yêu thích môn Lịch sử, mượn cả sách của các lớp trên đọc, nhưng thi thì điểm không cao vì phải nhớ từng ngày, tháng.
Theo tôi Lịch sử là một môn rất hay, để đánh giá cách xử lý vấn đề, chiến thuật, tâm lý nữa. Nếu đào sâu những cái này thì tôi nghĩ sẽ thu hút, không cần thiết phải lấy toàn bộ Lịch sử lẫy lừng, hãy chọn những thứ độc đáo nhất, nổi tiếng nhất để phân tích hay, dở của người trong cuộc và rút ra bài học cho bản thân vào đời sống. Ai có đam mê sẽ tự tìm kiếm thêm mà học. Điều quan trọng trong việc học là bản thân thu lại được gì để sử dụng mà không phải số liệu.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.