Bác sĩ Huỳnh Thị Vũ Quỳnh, Trưởng khoa Thận nội tiết, Bệnh viện Nhi đồng 2, TP HCM, cho biết dậy thì sớm là tình trạng trẻ phát triển các đặc tính sinh dục thứ phát đánh dấu sự trưởng thành về sinh dục sớm hơn bình thường, trước 8 tuổi ở trẻ gái (có kinh trước 9,5-10 tuổi) và trước 9 tuổi ở bé trai. Điểm chung ở hai giới, như trẻ phổng phao, cao nhanh, mọc lông nách, lông mu, nổi mụn trứng cá... Bé gái ngực sẽ to dần lên, có kinh nguyệt (chảy máu âm đạo). Ở bé trai là tinh hoàn và dương vật to dần, mọc ria mép, phát triển cơ bắp và xuất hiện mùi cơ thể, có hiện tượng xuất tinh.
Dậy thì sớm mang đến nhiều nguy cơ và thiệt thòi cho trẻ, theo bác sĩ Quỳnh. Thứ nhất, trẻ sẽ hạn chế phát triển chiều cao trong tương lai. Ban đầu, khi mới dậy thì trẻ cao nhanh hơn rất nhiều so với bạn bè cùng trang lứa, sau đó tốc độ này chậm dần rồi chững lại vì các khớp xương đóng lại. Cuối cùng khi trưởng thành, trẻ thấp hơn chiều cao trung bình. Tùy thể dậy thì sớm trẻ gặp phải mà mức độ ảnh hưởng chiều cao ở mỗi trẻ sẽ khác nhau.
Sự khác biệt về hình thể so với phần đa bạn bè có thể khiến trẻ mặc cảm, thu mình. Một số nghiên cứu cho thấy nhiều người lớn dễ có vấn đề về tâm lý như rối loạn tâm lý, trầm cảm vì việc dậy thì sớm xảy ra trong quá khứ. Phụ huynh, người chăm sóc cũng có khả năng rơi vào hoang mang, lo lắng theo vì sự bất thường của con.
Đặc biệt, dù thân hình nở nang, phổng phao nhưng tinh thần trẻ vẫn còn non nớt, chưa nhận thức được hành vi lạm dụng và có thể tự bảo vệ mình nên trẻ dậy thì sớm dễ bị lạm dụng tình dục hơn.
"Số trẻ gái dậy thì sớm chiếm 95-95% tổng bệnh nhân. Dậy thì sớm mang đến nguy cơ trẻ bị mãn kinh sớm khi trưởng thành", bác sĩ Quỳnh nói.
Có ba thể dậy thì sớm, trong đó thường gặp nhất là dậy thì sớm trung ương, còn gọi là dậy thì sớm thật, do trục hạ đồi - tuyến yên - sinh dục hoạt động sớm hơn bình thường. Nguyên nhân dậy thì sớm ở nhóm này đa số không xác định được, nhất là với bé gái. Nhóm này có thể được điều trị ức chế dậy thì bằng thuốc.
Thứ hai là dậy thì sớm một phần - một biến thể của dậy thì bình thường, lành tính, thường xuất hiện một dấu hiệu dậy thì đơn độc và không ảnh hưởng đến chiều cao của trẻ. Một thể khác ít gặp là dậy thì sớm ngoại biên, gây ra bởi các khối u ở buồng trứng, tử cung, tuyến yên, thượng thận hoặc tinh hoàn tiết ra nội tiết tố sinh dục.
"Dậy thì sớm trung ương cao gấp 5 lần dậy thì sớm ngoại biên", bác sĩ Nguyễn Thị Hằng, Trung tâm Nội tiết - Chuyển hóa - Di truyền và Liệu pháp phân tử, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết thêm.
Theo bác sĩ Hằng, tỷ lệ mắc dậy thì sớm dao động từ 1/5.000 đến 1/10.000. Ở Đan Mạch, tỷ lệ này cao hơn với 20/10.000 trẻ gái và 5/5.000 trẻ trai. Tại Việt Nam chưa có nghiên cứu cụ thể về tỷ lệ trẻ dậy thì sớm.
Thực tế ghi nhận số ca dậy thì sớm đến khám tại một số bệnh viện chuyên khoa nhi tăng dần qua mỗi năm. Tại Bệnh viện Nhi đồng 2, những năm trước mỗi tháng có khoảng 5 bệnh nhân mới có chỉ định điều trị mỗi tháng, nhưng trong 10 tháng đầu năm 2019, số ca mới thêm gần 100 ca mới, làm tăng đột biến số cộng dồn hàng năm. Hiện, mỗi năm bệnh viện tiếp nhận hơn 300 trường hợp đến khám, số cần phải điều trị chiếm khoảng 40%.
Các chuyên gia cũng chỉ ra các yếu tố nguy cơ gây dậy thì sớm đó là đột biến gene, di truyền khi bố mẹ dậy thì sớm, béo phì, hoặc trẻ tiếp xúc với chất dẻo và thuốc trừ sâu, kim loại nặng... trong môi trường gây rối loạn nội tiết. Hy hữu hơn là trường hợp người mẹ đang cho con bú bôi thuốc làm hồng nhũ hoa có chứa estrogen, trẻ bú mẹ nhiều tháng dẫn đến xuất huyết âm đạo.
Phát hiện và can thiệp càng sớm thì hiệu quả điều trị dậy thì sớm càng cao. Mặc dù vậy, không phải tất cả các trẻ dậy thì sớm đều cần điều trị. Các bác sĩ dựa trên nguyên nhân, thể bệnh, độ tuổi, tốc độ tiến triển dậy thì, tốc độ phát triển chiều cao và ước lượng chiều cao cuối cùng... của từng trẻ để đưa ra chỉ định phù hợp.
Do đó, nếu thấy con gái có các dấu hiệu phát triển ngực hoặc mọc lông nách, lông mu, nổi mụn, phát triển chiều cao nhanh trước 8 tuổi hoặc con trai phát triển tinh hoàn, dương vật, mọc lông mu, lông nách, vỡ giọng, phát triển chiều cao nhanh trước 9 tuổi, phụ huynh cần đưa trẻ đi khám, bác sĩ Quỳnh khuyến cáo.
Thư Anh