Bé gái 7 tuổi được mẹ đưa đến Bệnh viện Nhi Trung ương khám do tuyến vú phát triển, mọc lông mu, có kinh nguyệt. Bác sĩ chẩn đoán bé dậy thì sớm, cần theo dõi, điều trị theo phác đồ.
Bác sĩ Bùi Phương Thảo, khoa Nội tiết - Chuyển hóa Di truyền, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết tuổi dậy thì được tính ở giai đoạn 8-13 tuổi với trẻ gái và 9-14 tuổi với trẻ trai. Tuy nhiên trẻ ngày nay có xu hướng dậy thì sớm hơn.
Trước đây, mỗi năm chỉ khoảng 10 bệnh nhi đến viện khám do dậy thì sớm, nay con số gấp hàng chục lần. Năm 2019, Bệnh viện Nhi Trung ương khám, điều trị hơn 300 cháu dậy thì sớm. Năm nay, do ảnh hưởng Covid-19, số cháu đến bệnh viện khám giảm, song 5 tháng đầu năm đã có 107 cháu được phát hiện bị dậy thì sớm.
"Bệnh viện đang quản lý hơn 1.000 trẻ dậy thì sớm, trên 500 cháu được điều trị ức chế dậy thì bằng cách tiêm thuốc", bác sĩ Thảo nói.
Dậy thì là sự phát triển các đặc tính sinh dục thứ phát. Trẻ gái phát triển tuyến vú, tăng kích thước bộ phận sinh dục, phát triền lông mu, lông nách, hành kinh. Trẻ trai phát triển bộ phận sinh dục, ria mép, có lông mu, lông nách, khàn tiếng. Cả hai đều tăng trưởng nhanh về chiều cao ở giai đoạn này.
Nếu trẻ nữ có đặc tính sinh dục trước 8 tuổi và trẻ nam trước 9 tuổi, đặc biệt là chiều cao tăng nhanh hơn 6 cm một năm, thì được nhận định là dậy thì sớm.
Dậy thì sớm ở trẻ em có hai loại, là dậy thì sớm ngoại biên và dậy thì sớm trung ương. Dậy thì sớm ngoại biên có bất thường buồng trứng, u nang buồng trứng, bệnh lý di truyền gây tiết hormone sinh dục. Dậy thì sớm trung ương do sự bất thường trong não, có khối u trong não gây kích thích tuyến sinh dục.
Trẻ gái dậy thì sớm tỷ lệ nhiều hơn trẻ nam gấp 20 lần. Tuy nhiên, trẻ nam dậy thì sớm nguy cơ cao mắc các bệnh về não.
"Nguyên nhân dậy thì sớm trung ương 90-95% ở nữ là vô căn, 5-10% có bất thường ở não, u não, dị tật não. Ở trẻ trai, khoảng 40-50% có u não, bất thường não, dị tật não", bác sĩ Thảo nói.
Dậy thì sớm ở trẻ ảnh hưởng tới tâm lý, thiếu tự tin, ảnh hưởng chất lượng học tập. Với trẻ gái, do rối loạn nội tiết sớm, gây ra hội chứng buồng trứng đa nang, ảnh hưởng tới khả năng sinh sản về sau.
Thời điểm dậy thì có thể trẻ cao hơn so với các bạn cùng lứa, tuy nhiên các khớp xương bị đóng sớm hơn bình thường, rút ngắn thời gian sinh trưởng. Dậy thì sớm ảnh hưởng tới chiều cao của trẻ khi trưởng thành. Trung bình trẻ dậy thì sớm có chiều cao khi trưởng thành thấp hơn các bạn khác, ở nữ là thấp hơn 12 cm và ở nam khoảng 20 cm. Nếu được điều trị, trẻ sẽ cải thiện chiều cao.
Chẩn đoán dậy thì sớm, các bác sĩ sẽ khai thác bệnh sử, theo dõi cấp độ tăng trưởng, đánh giá mức độ dậy thì của trẻ qua tuổi xương chụp cổ tay trái, siêu âm tử cung buồng trứng, khối thượng thận... Một số trường hợp sẽ chụp cộng hưởng từ não.
Tùy thuộc nguyên nhân dậy thì sớm, các bác sĩ có phương pháp điều trị khác nhau như can thiệp bằng hormone, tiêm thuốc...
Bệnh nhân điều trị ức chế dậy thì sẽ được tiêm thuốc liên tục đến năm 10 tuổi, liệu trình 28 ngày một mũi tiêm. Nhiều bé dậy thì sớm lúc 6 tuổi (tuổi xương của trẻ chênh tới ba năm, ở mốc 9 tuổi), kiên trì điều trị đến năm 10 tuổi, ở mốc 16 tuổi trẻ cũng phát triển tốt.
Bác sĩ Thảo khuyên các gia đình theo dõi trẻ sát sao, có chế độ dinh dưỡng hợp lý. Trẻ béo phì, sớm tiếp cận với phim người lớn là những yếu tố dẫn tới dậy thì sớm. Hiện chưa có cơ sở khoa học khẳng định trẻ uống sữa sẽ bị dậy thì sớm.