Điều trị bằng cách nào, có chữa khỏi không? (Anh Kiệt, Quảng Bình)
Trả lời:
Dày sừng nang lông là các tổn thương tại nang lông nhô lên khỏi bề mặt da, chủ yếu ở cánh tay, đùi, mông, má. Da sần sùi, thô ráp, có thể cảm nhận khi sờ tay lên. Các nốt màu đỏ hoặc nâu do dày sừng nang lông dễ nhầm với phát ban hoặc nổi nhọt, ngứa, chạm vào không đau. Bệnh tiến triển nặng vào mùa đông do độ ẩm không khí thấp, phổ biến ở thanh thiếu niên, trẻ nhỏ và cải thiện theo độ tuổi.
Keratin là một loại protein ở lông, tóc, giúp bảo vệ da khỏi các yếu tố gây bệnh. Keratin tích tụ dưới da là nguyên nhân chính gây dày sừng nang lông. Hiện chưa tìm ra nguyên nhân khiến keratin tích tụ. Song bệnh hen suyễn, béo phì, chàm hoặc viêm da cơ địa, di truyền, da khô, vệ sinh cơ thể không sạch sẽ... là yếu tố nguy cơ.
Bệnh này không thể điều trị dứt điểm, chỉ cải thiện triệu chứng bằng cách thoa kem dưỡng ẩm làm mềm da ít nhất hai lần mỗi ngày. Tốt nhất thoa sau khi tắm, da vẫn còn ẩm, lỗ chân lông giãn nở dễ hấp thu dưỡng chất, giảm các nốt sần. Ưu tiên loại dưỡng ẩm chứa ure. Tránh tắm lâu bằng nước nóng, mỗi lần chỉ nên dưới 15 phút. Không dùng xà phòng có tính tẩy rửa mạnh.
Tẩy tế bào chết hai lần mỗi tuần với các sản phẩm chứa axit salicylic, AHA, axit lactic... Trong một số trường hợp, axit có thể gây kích ứng, châm chích hoặc nổi mẩn đỏ. Người có da nhạy cảm, trẻ em không nên sử dụng phương pháp này.
Thuốc bôi chứa vitamin A có thể cải thiện tình trạng dày sừng. Trường hợp viêm đỏ, sần sùi nhiều có thể dùng thêm corticoid theo chỉ dẫn. Thuốc bôi có thể kích ứng da trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai, nên khám bác sĩ được kiểm tra, kê đơn phù hợp.
Nếu không cải thiện, bác sĩ điều trị laser hoặc tái tạo da bằng hóa chất giúp cải thiện kết cấu da, giảm tăng sừng ở vùng cổ nang lông. Thuốc bôi dễ thấm vào da, hiệu quả cao hơn.
Người bệnh cần tránh tiếp xúc trực tiếp ánh nắng mặt trời; hạn chế tắm lâu để da không bị khô; dùng sữa tắm hoặc xà phòng có nguồn gốc thiên nhiên, độ ẩm cao, không gây kích ứng. Không chà xát da quá mạnh làm tình trạng dày sừng nghiêm trọng hơn. Tránh mặc quần áo quá chật khiến da bị ma sát nhiều dẫn tới trầy xước.
Dày sừng nang lông không ảnh hưởng đến sức khỏe, tuy nhiên, kéo dài điều trị gây nhiều phiền toái như khô da, ngứa ngáy, mất thẩm mỹ. Người bệnh cần kiên nhẫn, không tự chữa tại nhà, khám bác sĩ chuyên khoa da liễu - thẩm mỹ da để tránh dày sừng tái phát, tiến triển nặng, ảnh hưởng đến cuộc sống.
ThS.BS.CKI Trần Nguyễn Anh Thư
Chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả có thắc mắc bệnh da liễu, gửi câu hỏi tại đây để được bác sĩ giải đáp.