Ung thư đường tiết niệu là hiện tượng các cơ quan trong hệ tiết niệu như thận, niệu quản, bàng quang, niệu đạo xuất hiện các khối u ác tính. Trong đó phổ biến nhất là ung thư bàng quang. Bệnh thường gặp ở nam giới sau 40 tuổi, người từng điều trị ung thư bàng quang, nghiện thuốc lá, tiếp xúc thường xuyên với hóa chất amin thơm trong ngành dệt may, in ấn, cao su, sơn, thuộc da... hoặc có tiền sử gia đình có người thân bị ung thư đường tiết niệu.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Tân, Khoa Tiết niệu - Nam học và Thận học, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội cho biết, triệu chứng sớm của ung thư đường tiết niệu không rõ ràng, dễ gây nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Người bệnh cần đi khám chuyên sâu để được chẩn đoán có bị ung thư đường tiết niệu hay không khi cơ thể xuất hiện một số triệu chứng dưới đây:
Có máu trong nước tiểu hoặc tinh dịch: Tiểu ra máu là dấu hiệu đầu tiên của ung thư đường tiết niệu, thường xảy ra khi khối u ở đường tiết niệu bị viêm loét, chảy máu.
Lượng máu nhiều hay ít tùy vào tình trạng vết loét. Đôi khi người bệnh vô tình phát hiện có tiểu máu qua xét nghiệm nước tiểu khi đi khám sức khỏe. Khi khối u phát triển đến giai đoạn muộn, người bệnh có thể bị đái máu thường xuyên.
Nam giới bị ung thư đường tiết niệu có thể xuất hiện máu trong tinh dịch. Số lượng máu trong tinh dịch nhiều hay ít tùy tình trạng bệnh.
Tiểu khó, đau rát khi tiểu: Khối u chèn ép lên bàng quang và ống dẫn nước tiểu, khiến nước tiểu khó lưu thông. Lúc này người bệnh sẽ gặp tình trạng tiểu khó, dòng nước tiểu yếu, đau hoặc rát khi tiểu, cảm giác mót tiểu ngay cả khi bàng quang không đầy, dẫn đến đi tiểu nhiều lần, đặc biệt là về đêm.
Đau khi đại tiện: Khi khối u đường tiết niệu phát triển to sẽ chèn ép lên trực tràng, khiến người bệnh gặp khó khăn khi đại tiện.
Đau lưng, đau hông dữ dội: Khi khối u phát triển lớn sẽ làm bít tắc đường tiết niệu, nước tiểu không được đào thải ra ngoài sẽ trào ngược từ bàng quang lên thận, gây tổn thương thận, từ đó dẫn đến các hiện tượng đau lưng, đau hông.
Khi ung thư đường tiết niệu bước vào giai đoạn muộn, đã di căn và bắt đầu xâm lấn vào các cơ quan lân cận, các triệu chứng thường rõ ràng hơn như đau trên xương mu, đau vùng hạ vị, đau tầng sinh môn, đau xương, đau đầu...
Phù hai chi dưới: Sự xuất hiện của khối u đường tiết niệu có thể ảnh hưởng chức năng bài tiết của thận gây suy thận. Thận suy khiến nước bị giữ lại trong cơ thể có thể gây ra hiện tượng phù chân (sưng chân), đặc biệt quanh vùng cổ chân. Hoặc khối u di căn chèn ép tĩnh mạch chủ dưới, tĩnh mạch đùi, cũng gây nên hiện tượng phù một chân hay cả hai bên.
Giảm cân bất thường, mệt mỏi không rõ nguyên nhân: Khi bị ung thư đường tiết niệu, người bệnh thường ăn uống mất cảm giác ngon miệng, mệt mỏi, gầy yếu, sụt cân nhanh không chủ đích.
Ung thư đường tiết niệu là bệnh lý ác tính, không chỉ gây nhiều bất tiện cho cuộc sống mà còn có tỷ lệ tử vong cao nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Đặc biệt ung thư bàng quang có khả năng tái phát cao, người bệnh cần theo dõi sát sao tình trạng sức khỏe và tái khám thường xuyên.
Để tránh nguy cơ mắc bệnh, bác sĩ Tân khuyên mọi người nên bỏ hút thuốc lá; không tự ý dùng bất kỳ loại thuốc nào khi chưa được bác sĩ chỉ định. Nếu làm việc với thường xuyên với các hóa chất, cần nghiêm túc thực hiện tất cả những hướng dẫn an toàn để tránh phơi nhiễm. Xây dựng chế độ ăn uống, dinh dưỡng khoa học như uống đủ nước mỗi ngày (khoảng 2 lít), tăng cường ăn rau xanh, hoa quả và chất xơ, hạn chế đồ ăn chiên rán nhiều dầu mỡ, không uống bia rượu... Đồng thời tăng cường vận động, tập luyện thể thao cũng là giúp tăng cường sức đề kháng và cách đào thải độc tố.
Trịnh Mai