Tuyến tiền liệt nằm phía dưới bàng quang, trên hoành chậu hông và bọc quanh niệu đạo sau, là một phần của hệ thống sinh sản nam giới với nhiệm vụ sản xuất tinh dịch và hormone. Ung thư tuyến tiền liệt là một trong những loại ung thư phổ biến nhất ở nam giới, nguy cơ mắc bệnh gia tăng theo độ tuổi.
Theo thống kê từ Tổ chức Ung thư toàn cầu (GLOBOCAN) vào năm 2018, khoảng 1/350 nam giới dưới 50 tuổi và khoảng 1/52 người trong độ tuổi từ 50 đến 59 tuổi bị ung thư tuyến tiền liệt. Ở nam giới trên 65 tuổi, tỷ lệ mắc bệnh là gần 60%.
Theo khuyến cáo của Hội Tiết niệu Thận học Việt Nam, nam giới nên bắt đầu tầm soát ung thư tuyến tiền liệt khi bước sang tuổi 50. Tuy nhiên, trong trường hợp, nam giới có tiền sử gia đình như ông nội, ông ngoại, cha, anh em trai, chú, bác... từng mắc ung thư tuyến tiền liệt thì cần bắt đầu tầm soát sớm hơn những người khác 5 năm, tức là vào lúc 45 tuổi. Bên cạnh đó, nếu nam giới có bà nội, bà ngoại, mẹ, chị em gái, cô, dì... từng mắc ung thư vú, buồng trứng hay tuyến tụy cũng cần được tầm soát sớm 5 năm.
Tầm soát ung thư là tìm kiếm u ác tính trước khi nó gây ra các triệu chứng. Đây là cách tốt nhất để phát hiện và điều trị sớm, giúp khả năng sống sót của người bệnh cao hơn. Không có xét nghiệm tiêu chuẩn để sàng lọc ung thư tuyến tiền liệt nhưng hai xét nghiệm thường được sử dụng là xét nghiệm nồng độ kháng nguyên tuyến tiền liệt (PSA) và thăm khám qua ngả trực tràng bằng tay (DRE).
Với phương pháp đánh giá PSA, bác sĩ sẽ xét nghiệm máu. Theo quy định, mức PSA trong máu càng cao thì càng nhiều khả năng có vấn đề ở tuyến tiền liệt, nhưng nhiều yếu tố như tuổi tác và chủng tộc cũng có thể ảnh hưởng đến mức PSA. Một số người có tuyến tiền liệt tạo ra nhiều PSA hơn. Nếu xét nghiệm PSA bất thường, bác sĩ có thể đề nghị làm sinh thiết để xác định có bị ung thư tuyến tiền liệt hay không.
Với phương pháp thăm khám qua ngả trực tràng, bác sĩ sẽ sử dụng ngón tay đánh giá cấu trúc tuyến tiền liệt qua thành trực tràng để tìm kiếm dấu hiệu ung thư như cứng chắc, u cục... Thang điểm Gleason cũng được áp dụng vào tầm soát ung thư tuyến tiền liệt. Điểm Gleason càng thấp, nguy cơ ung thư, sự tiến triển càng ít và tiên lượng tốt hơn.
Thông thường, ở giai đoạn đầu, ung thư tuyến tiền liệt không có triệu chứng rõ ràng. Ở các giai đoạn sau, một vài dấu hiệu có thể xuất hiện bao gồm: đi tiểu thường xuyên hơn bình thường, đặc biệt là vào ban đêm; khó đi tiểu; đau hoặc cảm giác nóng rát khi đi tiểu; máu trong nước tiểu hoặc tinh dịch; khó đạt được sự cương cứng; đau khi xuất tinh; đau hoặc cứng ở trực tràng, lưng dưới, hông hoặc xương chậu.
Tùy vào từng giai đoạn bệnh và khả năng đáp ứng điều trị của bệnh nhân, bác sĩ sẽ có sự chọn lựa, tư vấn và chỉ định các phương pháp điều trị phù hợp, bao gồm:
Phẫu thuật cắt bỏ tuyến tiền liệt: Phương pháp điều trị này dành cho các trường hợp ung thư giai đoạn một hoặc hai khi tế bào ung thư còn khu trú, chưa phá vỡ vỏ bao của tuyến.
Xạ trị: Phương pháp này được chỉ định ở nhiều giai đoạn bệnh nhưng áp dụng nhiều nhất ở giai đoạn ba.
Hóa trị: Được chỉ định cho tế bào ung thư đã lan ra bên ngoài tuyến tiền liệt và điều trị nội tiết không còn hiệu quả.
Bên cạnh đó, bác sĩ có thể sử dụng liệu pháp nội tiết, giúp làm giảm nội tiết tố nam testosterone nhằm kìm hãm sự phát triển của bệnh hay liệu pháp miễn dịch.
Ngoài các phương pháp điều trị từ bác sĩ, người bệnh cũng cần thực hiện chế độ ăn uống khoa học, tập thể dục thường xuyên để tăng cường sức khỏe và giữ tinh thần lạc quan, nghỉ ngơi khi thấy cơ thể mệt mỏi. Nam giới không nên quá lo lắng nếu chẳng may mắc bệnh vì nhìn chung, tỷ lệ sống sót đối với người bị ung thư tuyến tiền liệt khá cao.
Hải My (Theo Medical News Today)