Hormone tăng trưởng (GH) giúp trẻ tăng trưởng và phát triển, được tạo ra bởi tuyến yên - một tuyến nhỏ nằm giữa các thùy của não. Khi tuyến yên của trẻ không sản xuất đủ hormone tăng trưởng, tốc độ phát triển của cơ thể sẽ chậm lại. Các triệu chứng phổ biến nhất của tình trạng này bao gồm:
Tầm vóc thấp bé: Trẻ bị thiếu hormone tăng trưởng thấp bé hơn so với các bạn cùng trang lứa.
Răng mọc muộn: Nhiều trẻ em bị thiếu hụt hormone tăng trưởng ở trẻ em sẽ bị chậm phát triển răng, chụp X-quang thường cho thấy xương của bé cũng có vẻ trẻ hơn so với tuổi.
Dậy thì muộn: Trẻ không được cung cấp đầy đủ hormone tăng trưởng thì quá trình dậy thì có thể đến muộn hơn. Trẻ gái có thể không phát triển ngực, giọng nói của bé trai có thể không thay đổi cùng tốc độ với các bạn cùng trang lứa.
Những trẻ thiếu GH cũng có thể gặp một số tác động tâm lý, bao gồm: trầm cảm, thiếu tập trung, trí nhớ kém, lo lắng hoặc đau khổ về cảm xúc.

Trẻ thiếu hormone tăng trưởng có thể thiếu tập trung, suy giảm trí nhớ, mệt mỏi. Ảnh: Freepik
Hạ đường huyết: Khi tuyến yên hoặc vùng dưới đồi không hoạt động bình thường, tuyến yên không thể sản xuất hormone tăng trưởng và các hormone khác. Một số trẻ sơ sinh và trẻ em bị hạ đường huyết do tuyến yên bị tổn thương. Tình trạng tăng bilirubin trong máu cũng có thể xảy ra. Tuy nhiên đây là trường hợp ít gặp.
Các biến chứng của thiếu hụt hormone tăng trưởng ở trẻ em tùy thuộc vào nguyên nhân cơ bản và phương pháp điều trị.
Mật độ xương thấp: Thiếu hụt hormone tăng trưởng khiến trẻ có mật độ xương thấp. Những người trưởng thành bị thiếu hụt hormone tăng trưởng có nguy cơ loãng xương và gãy xương cao hơn. Tuy nhiên, mật độ xương có thể được cải thiện khi điều trị bằng cách tiêm hormone tăng trưởng.
Bệnh tim mạch: Trẻ em bị thiếu hụt hormone tăng trưởng có nguy cơ cao bị suy giảm chức năng tim và rối loạn lipid máu, có thể do mức độ mảng bám xơ vữa tăng lên.
Mặc dù điều trị thiếu hụt hormone tăng trưởng ở trẻ hiệu quả nhưng nó có thể gây ra các tác dụng phụ như: tăng huyết áp, trượt đầu xương đùi và làm trầm trọng thêm các triệu chứng vẹo cột sống.
Để kiểm tra tình trạng thiếu hụt hormone tăng trưởng ở trẻ, bác sĩ sẽ chụp X-quang tuổi xương bàn tay. Bác sĩ so sánh hình chụp X-quang của trẻ với hình chụp X-quang của những đứa trẻ khác cùng tuổi. Nếu tuổi xương của trẻ nhỏ hơn nhiều so với tuổi thật có thể là dấu hiệu của sự thiếu hụt GH. Hình ảnh chi tiết về não cũng cũng giúp các bác sĩ xem tuyến yên hoặc não có thể gây ra tình trạng thiếu hụt GH hay không.
Lê Nguyễn (Theo Verywell Health)