Suy thận là tình trạng thận mất chức năng, không còn khả năng lọc các chất thải từ máu. Tiến sĩ, bác sĩ cao cấp Mai Thị Hiền, Khoa Tiết niệu - Nam học và Thận học, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội cho biết, ở giai đoạn sớm, các triệu chứng suy giảm chức năng thận thường bộc lộ âm thầm và không điển hình, do đó dễ bị bỏ qua. Nhiều trường hợp phát hiện bệnh khi đã ở giai đoạn muộn. Lúc này, người bệnh có thể gặp các rối loạn của suy thận như thừa dịch, hội chứng ure máu cao, tăng kali máu, toan chuyển hóa máu, thiếu máu... gây khó khăn trong điều trị, thậm chí có thể tử vong nếu không được chạy thận hoặc ghép thận.
Dưới đây là một số dấu hiệu cảnh báo suy thận bạn nên lưu ý.
Mệt mỏi, thiếu máu, suy nhược: Khi thận không còn khả năng đào thải hết cặn bã và chất lỏng dư thừa trong máu ra khỏi cơ thể, khiến chúng tích tụ nhiều trong máu làm cơ thể mệt mỏi, chán ăn kéo dài, dẫn tới suy nhược cơ thể.
Theo bác sĩ Hiền, ở người khỏe mạnh, thận tạo ra hormone erythropoietin giúp cơ thể tạo ra các tế bào hồng cầu có nhiệm vụ mang oxy đi khắp cơ thể. Khi thận suy, chúng tạo ra ít erythropoietin, dẫn đến số lượng hồng cầu bị sụt giảm, khả năng vận chuyển oxy bị thiếu hụt khiến cơ thể mệt mỏi.
Ớn lạnh: Tình trạng thiếu máu do không tạo đủ lượng hồng cầu cần thiết có thể khiến người bệnh luôn cảm thấy gai lạnh ngay cả khi đang ở trong phòng ấm.
Hoa mắt, chóng mặt và mất tập trung do thiếu hụt hồng cầu vận chuyển oxy lên não khiến não không được cung cấp đủ oxy.
Phù nề: Muối Natri và chất lỏng dư thừa không được loại bỏ, bị tích tụ trong cơ thể dễ khiến phù nề bàn tay, chân, mắt cá chân, mặt, mi mắt.
Hơi thở có mùi hôi: Các chất thải tích tụ nhiều trong máu gây ra tình trạng tăng ure máu, có thể khiến hơi thở người bệnh có mùi hôi giống amoniac. Ngoài ra, hội chứng ure máu cao cũng gây ra tình trạng nôn hoặc buồn nôn do người bệnh thường cảm thấy trong miệng có vị của kim loại.
Da khô, nổi ban và ngứa: Bên cạnh giữ cân bằng nước và khoáng chất như natri, kali và phốt pho trong máu, thận còn kích thích hoạt động của vitamin D, cần thiết cho sức khỏe của xương. Do vậy khi chức năng thận bị suy giảm, sự mất cân bằng dinh dưỡng, khoáng chất trong cơ thể lâu dần cũng dẫn đến các bệnh lý về da, xương.
Chất thải tích tụ trong máu do chức năng loại bỏ các chất cặn bã ở thận suy giảm dễ gây phát ban, da khô và cảm giác ngứa ngáy khó chịu. Cảm giác ngứa có thể xuất hiện khắp cơ thể, nhưng thường tập trung ở sau lưng, mặt và cánh tay. Thiếu vitamin D dẫn tới giảm hấp thu canxi, gây loãng xương nặng hơn ở người suy thận.
Khó thở, thở nông: Chất lỏng dư thừa không được đào thải do chức năng thận suy yếu dễ bị tích tụ lại trong phổi, gây ứ dịch, kèm theo tình trạng thiếu hụt các tế bào hồng cầu vận chuyển oxy có thể khiến người bệnh khó thở, thở nông. Khi thận suy dẫn tới rối loạn cân bằng toan kiềm, người bệnh có xu hướng bị nhiễm axit cũng gây khó thở, thở nông.
Co rút cơ (thường gặp ở chân) do sự mất cân bằng nồng độ natri, kali, calci và các chất điện giải khác gây gián đoạn hoạt động của cơ và thần kinh.
Đau vùng lưng hoặc sườn: Những cơn đau ở hông lưng, ngay phía dưới khung xương sườn, đôi khi lan ra phía trước vùng chậu thường gặp ở người bị suy thận.
Thay đổi thói quen tiểu tiện: Những tổn thương tại thận thường làm thay đổi thói quen đi tiểu. Người bệnh thường cảm thấy khó tiểu, tiểu nhiều lần về đêm, lượng nước tiểu nhiều hơn hoặc ít hơn bình thường. Màu sắc nước tiểu cũng có thể thay đổi, nước tiểu có thể có màu nâu như màu coca hoặc màu hồng nhạt như nước rửa thịt cá, có thể có bọt do lẫn protein.
Bác sĩ Hiền cho biết, suy thận là giai đoạn muộn của bệnh thận mạn tính mà không được kiểm soát. Bệnh thận mạn thường phát triển âm thầm nên đôi khi không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ thoáng qua khiến người bệnh chủ quan không đi khám. Do không được điều trị kịp thời, các đơn vị cấu trúc của thận (còn gọi là nephron) bị tổn thương và mất chức năng, khiến thận bị suy. Bệnh không chỉ là gánh nặng cho sức khỏe, tinh thần mà còn ảnh hưởng nhiều đến kinh tế.
Để phòng ngừa suy thận, bác sĩ Hiền khuyên mọi người nên duy trì cân nặng hợp lý; xây dựng chế độ dinh dưỡng lành mạnh: không ăn mặn, ít đường và cholesterol, uống đủ nước; hạn chế rượu bia và thuốc lá. Nên tập thể dục thường xuyên; kiểm soát tối ưu bệnh lý tiểu đường và cao huyết áp; không tự ý sử dụng các loại thuốc kháng sinh, giảm đau, các loại thuốc và thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc cũng giúp bảo toàn chức năng thận. Đặc biệt, đi khám sàng lọc phát hiện bệnh thận ở giai đoạn sớm để được tư vấn và theo dõi điều trị là biện pháp hữu hiệu để phòng ngừa suy thận mạn.
Trịnh Mai