BS.CKII Nguyễn Hữu Nhật, khoa Thận nhân tạo - Trung tâm Tiết niệu Thận học (Bệnh viện Đa Khoa Tâm Anh TP.HCM) cho hay, thực tế vào những dịp lễ Tết, số lượng bệnh nhân đang trong giai đoạn chạy thận nhập viện cấp cứu gia tăng do ăn uống vượt mức cho phép, uống rượu bia, không tuân thủ lịch chạy thận... khiến bệnh trở nặng, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hơn 10% dân số toàn cầu bị bệnh thận mạn và mỗi năm bệnh lý này cướp đi mạng sống của 5-10 triệu người. Riêng Việt Nam, ước tính khoảng 5 triệu người bị suy thận và 8.000 bệnh nhân mới mỗi năm. Khoảng 800.000 người bị suy thận giai đoạn cuối cần lọc máu, chiếm 0,1% dân số.
Chạy thận nhân tạo là phương pháp lọc máu bên ngoài cơ thể bằng máy, điều trị người bệnh suy thận giai đoạn cuối hoặc suy thận cấp (thường do ngộ độc), khi chức năng thận đã mất gần hết hoặc mất hoàn toàn. Máu của người bệnh sẽ đi qua máy lọc với lưu lượng khoảng 200-400 ml/phút để tách các thành phần có hại và trả máu sạch về lại cơ thể. Quá trình lọc máu này có thể kéo dài 4-8 giờ với tần suất 3-4 lần/tuần (ít nhất 12 giờ/tuần), tùy theo thể trạng và việc tuân thủ điều trị, chế độ dinh dưỡng của người bệnh.
Người chạy thận nhân tạo phải đối diện với rất nhiều nguy cơ về sức khỏe bao gồm: mất cân bằng nội môi, gây tăng huyết áp hoặc hạ huyết áp tư thế (với biểu hiện buồn nôn, suy kiệt); thiếu máu do thiếu sắt, thiếu hụt vitamin nhất là nhóm vitamin tan trong nước; các bệnh về cơ xương khớp (loãng xương, nhuyễn xương, gãy xương, cứng khớp, đau khớp...), bệnh tim mạch (một trong những biến chứng nguy hiểm hàng đầu ở người suy thận giai đoạn cuối, gây nguy cơ tử vong sớm cho người bệnh).
Nếu thận ở trạng thái khỏe mạnh có thể lọc được khoảng 130 - 160 lít máu mỗi ngày và tạo ra khoảng 1,8 lít nước tiểu, giúp loại bỏ chất thải trong máu qua đường nước tiểu. Khi thận không hoạt động hiệu quả sẽ làm tích tụ chất thải trong máu. Tình trạng này có khả năng dẫn đến hôn mê, thậm chí gây tử vong.
Do đó, bác sĩ Nguyễn Hữu Nhật khuyến cáo, người chạy thận chu kỳ cần lưu ý những điều sau để có một mùa Tết vui khỏe:
- Tuân thủ lịch chạy thận định kỳ hằng tuần. Nên sắp xếp cuộc hẹn trước để đảm bảo có giường bệnh trong những dịp lễ tết.
- Uống thuốc đầy đủ theo hướng dẫn và toa thuốc của bác sĩ.
- Tuân thủ chế độ dinh dưỡng khoa học: Trong dịp Tết, người bệnh thận phải đặc biệt chú ý chế độ ăn uống tránh ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, khiến thận trở nặng. Tránh thức ăn nhiều muối (đồ chế biến sẵn, thức ăn nhanh, đồ kho, các loại mắm...), phốt pho (da/ ruột (lòng) gia súc, gia cầm, cá; sữa và các sản phẩm từ sữa; lòng đỏ trứng; hoa quả sấy khô; các loại đậu; khoai tây chiên/ nướng; tỏi; đồ uống có ga), thực phẩm lên men... Cần bổ sung thực phẩm giàu sắt (ức gà bỏ da, hạt macca, kiều mạch...), chất đạm để hạn chế ảnh hưởng của tình trạng thiếu máu, suy dinh dưỡng, giúp cải thiện tình trạng mệt mỏi, choáng váng.
- Nếu thấy xuất hiện cục máu đông trong ống thông, người bệnh cần đến ngay bệnh viện để được bác sĩ khám và điều trị kịp thời.
- Duy trì lối sống lành mạnh, thói quen tập thể dục hằng ngày bằng các bài tập nhẹ nhàng như đi bộ, đạp xe... để tăng cường sức khỏe tổng thể, cải thiện chức năng tim, kiểm soát huyết áp, tăng sức mạnh cơ...
Ngoài ra, để đảm bảo hiệu quả điều trị trong dịp lễ Tết, người chăm sóc bệnh nhân và bản thân người bệnh cần luôn theo dõi tình trạng sức khỏe, tuân thủ chặt chẽ các chỉ định của bác sĩ. Nếu nhận thấy có bất kỳ dấu hiệu bất thường, người chăm sóc phải liên hệ ngay với bác sĩ điều trị để xử lý kịp thời tránh nhiều biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra như tụt huyết áp, chuột rút, ngứa, thiếu máu, rối loạn giấc ngủ, nhiễm trùng...
Chang Chang