BS CKI Võ Thị Tường Duy, chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da, BVĐK Tâm Anh TP HCM, cho biết ung thư da là tình trạng các tế bào trên da phát triển bất thường, không kiểm soát. Ung thư da có hai loại: không hắc tố và hắc tố. Tùy vào từng loại ung thư, bệnh sẽ cho những dấu hiệu nhận biết khác nhau. Có thể nhận biết bệnh thông qua những dấu hiệu cụ thể như:
Tổn thương mới trên da, có kích thước, hình dạng và màu sắc thay đổi.
Người bệnh bị ngứa hoặc đau.
Vết loét không lành, chảy máu và có vảy.
Ở đỉnh da xuất hiện vết sưng sáng bóng màu đỏ.
Da xuất hiện các nốt giống mụn cóc.
Các đốm đỏ sần sùi, có vảy.
Khối u có viền nổi lên, thậm chí chảy máu.
Da xuất hiện một vệt giống như vết sẹo không có đường viền rõ ràng.
Nốt ruồi có kích thước thay đổi và có mạch máu xung quanh.
Nguyên nhân chủ yếu gây ung thư da là do bức xạ từ tia cực tím của ánh nắng mặt trời. Tuy nhiên, không thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời không có nghĩa là không bị ung thư da. Các yếu tố như di truyền, người hay tắm nắng hoặc có tiền sử bị cháy nắng, bỏng da nặng; tiếp xúc nhiều với asen hoặc bức xạ; lạm dụng mỹ phẩm có chứa các chất gây hại... cũng là nguyên nhân gây bệnh.
BS Duy cho biết phương pháp phổ biến trong chẩn đoán ung thư da vẫn là kiểm tra sức khỏe tổng quát, hỏi bệnh sử cá nhân và gia đình. Sau đó, bác sĩ sẽ đánh giá các tổn thương bằng cách soi da, sinh thiết và đánh giá mô bệnh học. Tùy giai đoạn bệnh, tình trạng sức khỏe và tùy vào phân loại mô bệnh học của sang thương mà bác sĩ sẽ chỉ định loại bỏ vùng da ung thư bằng phẫu thuật (cắt bỏ, Mohs, nạo và điện cực); hóa trị liệu; sử dụng ánh sáng laser kết hợp với thuốc, xạ trị,...
Để giảm nguy cơ mắc phải ung thư da, cách tốt nhất là tránh để da tiếp xúc thường xuyên với ánh nắng mặt trời và các nguồn bức xạ UV khác. Theo đó, hạn chế tắm nắng và đi ra ngoài từ 10-16 giờ; sử dụng kem chống nắng có chỉ số SPF từ 30 trở lên; thoa kem trước khi ra ngoài ít nhất 30 phút và thoa nhắc lại sau mỗi hai giờ; mặc áo chống nắng (loại chuyên dụng chống tia UV), đội nón rộng vành và đeo kính râm; mặc đồ tối màu thay vì sáng màu khi ra ngoài vì màu sáng sẽ hấp thụ tia cực tím nhiều hơn. Thăm khám sức khỏe định kỳ ít nhất mỗi năm một lần hoặc hai lần ở người có nguy cơ cao.
BS.CKI Võ Thị Tường Duy lưu ý, ung thư da cần được phát hiện chẩn đoán và điều trị sớm để ngăn ngừa tiến trình hóa ung thư ác tính hoặc nguy cơ di căn dẫn đến tử vong. Ở giai đoạn sớm, bác sĩ có thể điều trị mà không để lại sẹo và loại bỏ hoàn toàn u. Người bệnh có tiên lượng sống sau 5 năm đến 90%. Tiên lượng sống kém hơn nếu phát hiện và điều trị ở giai đoạn di căn.
Do đó, ngay khi phát hiện những tổn thương bất thường kéo dài vài tuần và không biến mất; nốt ruồi phát triển lớn và có sự xuất hiện của các mạch máu xung quanh... người bệnh nên đến gặp bác sĩ da liễu - thẩm mỹ da để được chẩn đoán và can thiệp sớm.
Dung Lê