Nốt ruồi là đốm màu nâu, đen hoặc đỏ, nổi trên bề mặt da khi mới chào đời hoặc trong quá trình trưởng thành. Nốt ruồi do tế bào biểu bì và hắc tố tạo thành, có xu hướng sậm màu nếu tiếp xúc nhiều với ánh sáng mặt trời hoặc do ảnh hưởng của nội tiết tố trong thai kỳ.
Nốt ruồi có thể phẳng, trơn láng, thô ráp tùy thuộc vào cấu tạo tế bào biểu bì. Mỗi người đều có từ 10-40 nốt ruồi trên cơ thể. Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời có thể làm tăng nguy cơ xuất hiện nốt ruồi. Ngoài ra, nốt ruồi nhiều hay ít cũng tùy thuộc vào cơ địa của mỗi người. Hầu hết chúng lành tính và không thay đổi theo thời gian. Trường hợp nốt ruồi ác tính, cần phẫu thuật hoặc tiểu phẫu để tránh biến chứng, di căn.
BS CKI Võ Thị Tường Duy, khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da, BVĐK Tâm Anh TP HCM, cho hay thay vì đến bệnh viện, nhiều người tự xóa nốt ruồi tại nhà bằng mẹo dân gian như: tỏi, mật ong, nước ép hành tây, giấm táo, dùng axit trái cây, axit nhẹ. Mạng xã hội cũng quảng cáo các sản phẩm kem tẩy nốt ruồi với nội dung như "không đau không chảy máu, bong tróc nốt ruồi, không để lại sẹo". Hiệu quả của các phương pháp này chưa được chứng minh rõ nhưng có thể gây nhiễm trùng, sẹo và kích hoạt tiến trình gây ung thư.
Một rủi ro khác khi tự tẩy nốt ruồi là bạn không biết nốt ruồi có thể là u ác tính. Nếu vô tình xóa nốt ruồi ác tính tại nhà sẽ biến chứng khắp cơ thể và đe dọa tính mạng. Do đó, khi có nốt ruồi, thay vì tự ý xóa, mọi người nên đến khám với bác sĩ khoa Da liễu để được kiểm tra, tư vấn cách tẩy an toàn, hiệu quả nhất.
BS Tường Duy cho biết, tùy vào số lượng, tình trạng nốt ruồi, các cơ sở y tế uy tín thường thực hiện tẩy nốt ruồi theo quy trình an toàn bằng nhiều phương pháp như:
Bắn tia laser: Đây phương pháp hiện đại nhất, an toàn, ít để lại sẹo và đang được ứng dụng rộng rãi. Khi chiếu vào nốt ruồi, tia laser sẽ loại bỏ tế bào sắc tố ở lớp thượng bì bằng cơ chế làm "bốc hơi" mô nốt ruồi. Đặc biệt, bắn tia laser còn giúp tiêu diệt sắc tố nằm sâu dưới da.
Đốt điện: Công nghệ mới đốt điện bằng sóng RF hoặc bằng tia Plasma có ưu điểm ít gây đau, mau lành vết thương và ít để lại sẹo xấu.
Tiểu phẫu: Thường dùng với nốt ruồi lớn, gồ ghề, sần sùi trên bề mặt da hoặc ăn sâu dưới da. Trường hợp nghi ngờ nốt ruồi có thể bị ung thư bắt buộc phải làm tiểu phẫu để lấy trọn vẹn mô da xét nghiệm tìm tế bào ung thư.
Cách chăm sóc da sau khi tẩy nốt ruồi
Việc chăm sóc vết thương sau khi tẩy nốt ruồi rất quan trọng. Chỉ cần không cẩn thận có thể loang lổ, nhiễm trùng, để lại sẹo xấu, gây mất thẩm mỹ, đặc biệt là vị trí ở mặt.
Hiện nay, với máy soi da thông minh, công nghệ laser, đốt điện hiện đại, nốt ruồi được loại bỏ ngay lập tức. Sau đó, cần giữ ẩm bằng các loại băng hydrocolloid giúp sẹo bớt lõm. Khi dịch tiết từ vết thương thấm ướt băng thì dùng nước muối sinh lý hoặc dung dịch polyhexanide để rửa, rồi thay băng khác. Không dùng dung dịch oxy già hoặc chứa i-ốt vì sẽ khiến vết thương lâu lành hơn.
Vùng da sau khi xóa nốt ruồi dễ nhạy cảm, tổn thương, cần tránh gãi, chà xát, nhất là trong giai đoạn lên da non gây ngứa, khó chịu. Khi ra ngoài, người mới tẩy nốt ruồi cần che chắn cẩn thận, giảm tiếp xúc với nắng dẫn đến sạm. Ngoài ra, không nên dùng mỹ phẩm cho đến khi vết thương lành hẳn.
Nốt ruồi ở những vị trí thường xuyên bị va chạm nên được kiểm tra thường xuyên. Nếu có những dấu hiệu như: to nhanh, chảy dịch, màu sắc không đều, bề mặt xù xì, không trơn láng, hoặc nốt ruồi đang có lông bị rụng hết... nên đi khám bác sĩ da liễu để đề phòng bệnh ung thư da.
Quỳnh Dung