Bác sĩ Nguyễn Hữu Hiếu, khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết viêm phổi có thể do virus hoặc vi khuẩn gây ra. Nguyên nhân do virus chiếm 50% trường hợp mắc bệnh này. Cụ thể là các virus hợp bào hô hấp (RSV), cúm, adenovirus... Các vi khuẩn thường gặp là HI, phế cầu, Mycoplasma...
Khi phổi tổn thương, cơ thể trẻ sẽ phản ứng bằng cách thở nhanh hơn. Đây là dấu hiệu quan trọng, dễ nhận biết. Phụ huynh có thể nhận biết bằng cách quan sát trẻ thở. Vùng da nhỏ ở cổ có bị hóp lại hoặc vùng bụng dưới xương sườn có phập phồng khi thở hay không. Cha mẹ lắng nghe bé có vấn đề ở đường hô hấp dưới như ho sâu nặng tiếng hoặc tiếng thở bất thường như khò khè, thở rít.
Bên cạnh các dấu hiệu trên, nếu trẻ mệt mỏi, bỏ bú, không muốn chơi, không tương tác với người xung quanh, phụ huynh cần đưa đi khám. Phát hiện sớm và tuân thủ điều trị theo phác đồ của bác sĩ giúp trẻ tránh nguy cơ biến chứng do viêm phổi.
Bác sĩ Hiếu cho biết thêm hầu hết trường hợp viêm phổi do vi khuẩn không điển hình như Mycoplasma thường không có biểu hiện hô hấp rầm rộ như viêm phổi thông thường. Trẻ thường trông khỏe mạnh khiến cha mẹ khó nhận biết. Khi bé ho kéo dài trên một tuần không giảm hoặc sốt dài ngày, phụ huynh nên nghĩ ngay đến viêm phổi do Mycoplasma.
Viêm phổi dễ gây biến chứng nghiêm trọng như tràn dịch màng phổi, áp xe phổi, nhiễm trùng máu nếu không điều trị kịp thời. Trong đó, suy hô hấp là biến chứng thường gặp nhất. Khi phổi bị tổn thương, thở nhanh, thở mạnh dẫn đến thiếu oxy trong máu, suy hô hấp.
Để phòng ngừa viêm phổi, cần tăng miễn dịch cho trẻ bằng cách tiêm phòng, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng và ngủ đủ giấc. Bé đeo khẩu trang nơi đông người, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch, tránh khói thuốc lá.
Lục Bảo
Độc giả đặt câu hỏi bệnh trẻ em tại đây để bác sĩ giải đáp |