Bác sĩ Đào Trần Tiến (Phó trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội) cho biết, người nghiện rượu có thể hiểu đơn giản là luôn thèm rượu và không có khả năng ngừng uống rượu. Lạm dụng rượu là mức độ nghiêm trọng nhất khi uống rượu.
Uống nhiều rượu làm tăng nguy cơ viêm gan, xơ gan, thậm chí ung thư gan. Bên cạnh đó, rượu còn tác động xấu đến hệ tiêu hóa và các chức năng khác của cơ thể, gây nhiễm độc, rối loạn thần kinh, tim mạch... Các triệu chứng nghiện rượu có thể khác nhau ở mỗi người.
Dưới đây là một số dấu hiệu nhận biết giúp bạn hoặc người thân tránh lạm dụng đồ uống có cồn, cai rượu bia.
Uống được nhiều rượu và không kiểm soát
Người nghiện rượu có khả năng uống nhiều đồ uống có nồng độ cồn, nồng độ cao mà không cảm thấy say. Khả năng uống của họ cũng tiếp tục tăng lên theo thời gian và có nhu cầu uống nhiều rượu hơn nữa. Bác sĩ Tiến chia sẻ thêm, một trong những dấu hiệu của người nghiện rượu là không thể ngừng uống rượu, rất khó bỏ rượu, có thể uống say đến mức không kiểm soát hành vi. Ngay cả tại các sự kiện hoặc nơi công cộng, họ sẽ tiếp tục uống cho đến khi say.
Dành nhiều thời gian uống rượu và cảm thấy thèm rượu
Người nghiện rượu thường dành nhiều thời gian uống rượu, có thể từ bỏ hoặc giảm các hoạt động xã hội, công việc hoặc sở thích hàng ngày chỉ để uống rượu. Nếu bất kỳ cuộc vui nào không có rượu, họ thường cáu kỉnh hoặc tìm cách từ chối. Khi uống rượu, họ sẽ cảm thấy thoải mái hơn.
Ngay cả trong các tình huống không an toàn như khi lái xe, người nghiện rượu cũng vẫn uống rượu bia. Người nghiện đồ uống này thường xuyên lái xe trong tình trạng say xỉn và có xu hướng gây gổ với người khác. Nhiều người có đủ nhận thức và biết rằng người khác coi họ nghiện rượu nên có thể che giấu hành động này.
Luôn tìm lý do để uống rượu
Một người nghiện rượu thường lấy lý do uống rượu như một liều thuốc để giảm căng thẳng. Khi cảm thấy thất vọng hoặc căng thẳng về điều gì đó, họ muốn uống một ly. Mặc dù có những cách lành mạnh để giảm stress như tập thể dục, đọc sách hoặc vẽ tranh, nhưng họ vẫn chọn uống rượu vừa là thú vui vừa để giảm căng thẳng trong cuộc sống. Họ có thể biện minh cho hành động này là do khó khăn, nhàm chán, thất vọng trong cuộc sống, gia đình, công việc.
Thay đổi tính cách, dễ kích động
Một người nghiện rượu có thể có những thay đổi về tính cách; từ người dè dặt, trầm tính trở nên ồn ào và huyên náo, dễ kích động. Những thay đổi về tính cách có thể nguy hiểm khi hung hăng, bạo lực. Nhiều người có khả năng thực hiện những hành động liều lĩnh và khi say, xảy ra xô xát với người khác.
Ngộ độc rượu
Khi uống rượu thường xuyên, biểu hiện ngộ độc rượu có thể là các thay đổi về về hành vi và tinh thần. Những người nghiện rượu có thể có các hành vi không phù hợp, tâm trạng không ổn định, khả năng phán đoán kém, nói lắp, giảm sự chú ý hoặc trí nhớ. Trường hợp nặng có thể hôn mê, thậm chí tử vong.
Phụ thuộc rượu
Một người nghiện rượu kéo dài, sau đó đột ngột ngừng uống có biểu hiện của tình trạng phụ thuộc rượu (hay gọi là hội chứng cai rượu). Các biểu hiện này có thể xuất hiện trong vòng vài giờ đến vài ngày (thường khoảng 4-5 ngày) sau khi ngừng uống rượu. Họ thường có thay đổi về mặt tinh thần như lo lắng, dễ kích động, khó ngủ, bồn chồn, run tay, vã mồ hôi. Trong một số trường hợp, uống rượu lại giúp họ cảm thấy dễ chịu hơn. Người nghiện rượu nặng có thể gặp ảo giác, hoang tưởng (sợ có người theo dõi, đe dọa) hoặc co giật và cần phải được điều trị.
Theo bác sĩ Tiến, người nghiện rượu nên cố gắng kiềm chế cơn thèm rượu và tự mình vượt qua. Có rất nhiều cách điều trị như: cai nghiện với sự hỗ trợ y tế, trị liệu dài hạn để giải quyết nguyên nhân gây nghiện bao gồm cả khía cạnh tâm lý, thể chất...
Lục Bảo