Trả lời:
Thiếu hụt nội tiết tố xảy ra khi hàm lượng estrogen giảm, gây ra những thay đổi trong cơ thể. Nồng độ estrogen ở nữ bình thường dao động từ 50 pg/ml tới 400 pg/ml. Nồng độ hormone này ở phụ nữ từ 35-40 tuổi suy giảm nhanh. Mọi người có thể nhận biết qua các dấu hiệu như giảm lượng mỡ dưới da khiến da khô, xuất hiện các nếp nhăn, chảy xệ; âm đạo khô, dễ viêm nhiễm, có cảm giác đau rát khi quan hệ do giảm khả năng tiết dịch nhờn. Về hình thể, phụ nữ dễ nhận thấy vòng một chảy xệ, thiếu săn chắc, lượng mỡ thừa ở bụng tăng.
Phụ nữ dễ nhận thấy các thay đổi về kinh nguyệt như kinh nhanh hoặc chậm, thiếu kinh, vòng kinh ngắn và ít. Tim thường xuyên đập nhanh, cảm giác hồi hộp, giảm tập trung, hay quên, dễ cáu gắt, giận dỗi. Các dấu hiệu khác của suy giảm nội tiết tố còn gồm nóng trong người, cảm giác mệt mỏi, lo lắng, căng thẳng, ngủ không sâu giấc.
Suy giảm nội tiết tố còn làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch như huyết khối, viêm nhiễm đường tiết niệu, tiểu són... Xương yếu, giòn dẫn đến dễ gãy xương do loãng xương, đau nhức xương khớp cũng là dấu hiệu suy giảm nội tiết tố nữ.

Suy giảm nội tiết tố nữ có thể gây ra các triệu chứng mệt mỏi, hay quên, dễ cáu gắt. Ảnh: Freepik
Người bệnh nên đi khám ở các bệnh viện có chuyên khoa Nội tiết - Đái tháo đường nếu thấy dấu hiệu bất thường nghi ngờ suy giảm nội tiết tố. Chẩn đoán suy giảm nội tiết tố sớm giúp ngăn các biến chứng nguy hiểm. Người bệnh sẽ được hỏi về̀ các triệu chứng, kiểm tra thể chất, xét nghiệm máu để đo nồng độ hormone. Trong một số trường hợp, bác sĩ chỉ định chụp ảnh não bộ để kiểm tra dấu hiệu bất thường gây ảnh hưởng đến hệ thống nội tiết.
Yếu tố nguy cơ của suy giảm nội tiết tố bao gồm: tuổi tác (buồng trứng sản xuất ít estrogen khi càng lớn tuổi), tiền sử gia đình có các vấn đề nội tiết tố như u nang buồng trứng, rối loạn ăn uống hoặc ăn kiêng khắc nghiệt, tập thể dục quá mức, gặp các vấn đề về tuyến yên.
Một số cách giúp cân bằng nội tiết tố nữ như: ăn đủ chất đạm, tập thể dục thường xuyên, chọn chất béo lành mạnh, hạn chế đường và tinh bột, ăn nhiều cá béo và chất xơ. Kiểm soát căng thẳng, ngủ đủ giấc cũng góp phần cân bằng và ngăn ngừa suy giảm nội tiết tố nữ.
Ngoài ra, các liệu pháp như estrogen, liệu pháp thay thế hormone cũng giúp điều trị suy giảm nội tiết tố nữ. Tuy nhiên, người bệnh cần đi khám và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ.
BS.CKII Trần Thùy Ngân
Khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM