Protein (chất đạm) giúp xương, cơ, da chắc khỏe, tham gia vào nhiều phản ứng hóa học khác nhau trong cơ thể. Viện Hàn lâm Khoa học, Kỹ thuật và Y học Quốc gia Mỹ khuyến nghị lượng tiêu thụ protein là 10-35% tổng lượng calo hàng ngày, tương đương 50-175 g.
Người giảm cân thường áp dụng chế độ ăn thực phẩm giàu protein. Tuy nhiên, dung nạp nhiều dưỡng chất này hơn mức cơ thể cần trong thời gian này không mang lại lợi ích mà có thể khiến thận, gan và xương quá tải, tăng nguy cơ mắc bệnh. Dưới đây là một số dấu hiệu cảnh báo cơ thể nạp quá nhiều protein.
Đi tiểu thường xuyên
Người buồn tiểu thường xuyên có thể do thừa protein. Quá trình thận phân hủy protein có thể tích tụ nhiều chất thải, tạo ra môi trường axit cao, gây cảm giác muốn đi tiểu. Môi trường axit tăng lên theo thời gian cũng có thể dẫn đến các vấn đề về xương và gan. Chất thải tích tụ quá mức do thừa protein lâu dần cũng làm tăng nguy cơ phát triển sỏi thận.
Luôn mệt mỏi
Ăn quá nhiều protein, ít carb có thể khiến cơ thể mệt mỏi vì nhiều lý do, đầu tiên là gây căng thẳng cho thận, gan, xương, khiến các cơ quan này phải làm việc nhiều hơn. Carbohydrate (carb) là nguồn năng lượng chính của não nên khi cơ thể thừa protein, quá ít carb có thể ảnh hưởng đến chức năng của não, giảm tập trung, độ nhạy bén và năng lượng trong ngày.
Tăng cường thực phẩm lành mạnh như ngũ cốc nguyên hạt, trái cây và rau quả giúp cơ thể có nhiều năng lượng và cung cấp vitamin, khoáng chất, chất xơ.
Cân nặng tăng trở lại
Người giảm cân không hiệu quả có thể do tiêu thụ quá mức protein. Chế độ ăn giàu protein, ít carb hỗ trợ kiểm soát cân nặng nhưng có thể không mang đến hiệu quả lâu dài. Nó có thể dẫn đến cảm giác thèm ăn và ít năng lượng để tập luyện buổi sáng, dần giảm cân thất bại.
Táo bón
Ăn quá nhiều protein, nhất là sản phẩm từ động vật, nhưng ít chất xơ tác động tiêu cực đến hệ tiêu hóa. Chất xơ làm mềm phân, dễ dàng đi qua đường tiêu hóa, giảm táo bón. Dưỡng chất này chủ yếu có trong thực phẩm nguồn gốc thực vật như ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu và hạt, rau, trái cây.
Hơi thở có mùi
Chế độ ăn giàu protein, chất béo thay vì carb lành mạnh (điển hình như chế độ keto) khiến hơi thở có mùi. Khi không có đủ carb, cơ thể chuyển sang đốt cháy protein, chất béo để tạo năng lượng, sinh ra sản phẩm phụ là ceton có mùi khó chịu. Sự gia tăng đột ngột của protein trong chế độ ăn uống làm tăng phản ứng này, dẫn đến mùi hôi miệng.
Mọi người nên ăn lượng protein phù hợp mỗi ngày và tăng cường thực phẩm có nguồn gốc thực vật để mang lại nhiều lợi ích sức khỏe.
Bảo Bảo (Theo Eating Well)
Độc giả đặt câu hỏi về dinh dưỡng tại đây để bác sĩ giải đáp |