Chị Nguyễn Thị Như (huyện Bình Chánh, TP HCM) hiện chăm đứa con trai mới 7 tuổi vừa bị đột quỵ. Chị kể lại, hôm đó thấy con kêu đau đầu dữ dội, không tỉnh táo chị vội vàng đưa con đi khám. Bé nhập viện trong tình trạng lơ mơ, yếu nửa người. Bác sĩ cho biết, bé có thể bị đột quỵ khiến chị bất ngờ và tức tốc chuyển lên bệnh viện lớn. Kết quả chụp MRI cho thấy bé bị đột quỵ nhồi máu não do huyết khối. Ngay sau đó, các bác sĩ tiến hành can thiệp lấy huyết khối bằng đường động mạch.
TS.BS Nguyễn Thị Minh Đức - Trưởng khoa Nội Thần kinh, Bệnh Viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết, nhiều người thường nghĩ đột quỵ là bệnh của người lớn. Trên thực tế, tỷ lệ trẻ em hoặc người trẻ tuổi mắc căn bệnh này dù không nhiều nhưng vẫn có thể xảy ra. Nhiều trẻ bị đột quỵ được cứu sống kịp thời nhưng để lại di chứng và cũng không ít trường hợp không thể cứu chữa do đến bệnh viện quá muộn.
Dấu hiệu của đột quỵ là trẻ đột ngột than đau đầu dữ dội hay quấy khóc liên tục, kèm theo nôn ói. Sau nôn trẻ có thể giảm đau đầu, co giật mất ý thức, miệng méo lệch sang bên khi ăn, uống hay khóc. Trẻ cầm nắm cũng không được như bình thường, đi lê chân một bên hay có những tiếng kêu lạ trong đầu, dễ bị tím tái khi gắng sức. Nếu trẻ có những triệu chứng trên phụ huynh cần nhanh chóng đưa con đến bệnh viện để thăm khám cẩn thận. Phát hiện trễ khả năng tử vong rất cao hoặc sau điều trị sẽ để lại di chứng nặng nề như liệt nửa người không thể tự sinh hoạt, chăm sóc bản thân được.
Để nhận diện nhanh đột quỵ, phụ huynh yêu cầu con cười để xem một bên mặt có bị chảy xệ xuống hay không. Người bệnh cần giơ cùng lúc cả hai tay lên để xem một bên tay có bị rũ xuống hay không thể giơ lên không. Nếu trẻ nói lắp hoặc nói không rõ từng lời, nói khó hiểu cũng là dấu hiệu đột quỵ.
"Nếu trẻ có những biểu hiệu trên, nhiều khả năng đã bị tai biến mạch máu não. Gia đình cần nhanh chóng gọi xe cấp cứu bởi thời gian 'vàng' cấp cứu đột quỵ chỉ tính bằng giây", bác sĩ Minh Đức nói.
Ngoài các dấu hiệu trên, đột quỵ có thể có biểu hiện khác như giảm hoặc mất thị lực, đau đầu đột ngột dữ dội nhưng không có nguyên nhân rõ ràng và kèm theo nôn mửa, hoa mắt, chóng mặt...
Nguyên nhân và cách điều trị
Đối với trẻ em, vỡ dị dạng mạch máu não là nguyên nhân phải nghĩ đến đầu tiên trong bệnh cảnh đột quỵ não. Điều này khác với đột quỵ ở người cao tuổi vốn có nguyên nhân thường gặp là tắc mạch gây nhồi máu não nhiều hơn. Nếu như đột quỵ ở người lớn liên quan đến các bệnh lý như tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, tiểu đường và lối sống (ăn nhiều dầu mỡ, hút thuốc, lười vận động...) thì đột quỵ ở trẻ không liên quan đến lối sống mà chủ yếu là do bệnh lý tim bẩm sinh, bất thường mạch máu não....
Theo bác sĩ Minh Đức, nhận biết, chẩn đoán đột quỵ ở trẻ em là thách thức không nhỏ đối với bác sĩ vì trẻ con không biết cách than phiền, nhất là trẻ chưa biết nói. Trẻ đau đầu chỉ có thể quấy khóc. Đây cũng không phải là bệnh phổ biến ở trẻ em. Các bé được đưa đến bệnh viện cấp cứu và chẩn đoán đột quỵ thông thường ở độ tuổi từ 9-12 và có bé chưa đầy một tuổi, phần lớn bị hẹp động mạch nội sọ, vỡ mạch máu dị dạng hay có kèm theo bệnh tim bẩm sinh.
Để tầm soát, dự phòng hay chẩn đoán đột quỵ ở người trẻ tuổi có hai phương pháp khảo sát mạch não là chụp cộng hưởng từ mạch máu não và chụp cắt lớp vi tính mạch máu não có tiêm thuốc. Nếu phát hiện dị dạng mạch, bác sĩ sẽ cân nhắc điều trị nút mạch chủ động trước khi dị dạng bị vỡ. Theo bác sĩ Minh Đức, việc chẩn đoán sớm được dị dạng mạch máu não lúc chưa vỡ sẽ mang lại kết quả điều trị cao, chủ động hoàn toàn và an toàn hơn gấp 10 lần so với can thiệp lúc đã vỡ.
Bác sĩ Minh Đức chia sẻ thêm, hiện nay, các phương tiện chẩn đoán hiện đại gồm MRI, CT, CTA, DSA... như tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh giúp chẩn đoán đột quỵ ở trẻ em hiệu quả và đưa ra phương án điều trị phù hợp. Phụ huynh không nên sử dụng các biện pháp xử trí dân gian sẽ làm trễ thời gian "vàng" cấp cứu cho trẻ.
Minh An