Tiến sĩ, bác sĩ Đặng Thị Mai Khuê (Khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM) cho biết triệu chứng của bệnh than có thể mất từ một ngày đến hơn 2 tháng mới xuất hiện. Bệnh than không được điều trị có khả năng lây lan khắp cơ thể và tiến triển nặng, thậm chí tử vong.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), bệnh than được chia thành 4 nhóm cụ thể gồm: bệnh than ở da, bệnh than đường hô hấp, bệnh than đường tiêu hóa, bệnh than đường tiêm. Các triệu chứng của mỗi loại bệnh than có thể khác nhau. Riêng bệnh than đường hô hấp sẽ có các triệu chứng như ho, sốt và ớn lạnh, đau đầu, khó chịu ở ngực, hụt hơi. Bệnh nhân cũng có thể lú lẫn hoặc chóng mặt, buồn nôn, nôn hoặc đau dạ dày, đổ mồ hôi đầm đìa, cơ thể mệt mỏi, suy kiệt.
Bệnh than thường bắt đầu một cách âm thầm. Trong vài ngày đầu, người bệnh có thể gặp triệu chứng sốt, đau ngực và suy hô hấp cấp nặng tiến triển. Tiếp theo, cơ thể bệnh nhân sẽ tím tái, sốc và rơi vào trạng thái hôn mê.
Theo bác sĩ Mai Khuê, viêm hạch hoại tử xuất huyết nặng có thể phát triển và lan sang các cấu trúc trung thất (trong lồng ngực) lân cận. Bệnh nhân bị tràn dịch màng phổi, có thể kèm xuất huyết và phù phổi, sau đó là viêm màng não xuất huyết. Cuối cùng bệnh than qua đường ruột có thể phát triển. Giai đoạn này nếu không được cấp cứu kịp thời, nguy cơ tử vong là 100%. Người mắc bệnh than đường hô hấp có nguy cơ tử vong cao hơn tất cả các loại bệnh than khác. Nguy cơ tử vong khi mắc bệnh than qua da là 10-20%, bệnh than tiêu hóa khoảng 40%, bệnh than hầu họng 12-50%, trong khi đó bệnh than hô hấp và màng não chiếm tỷ lệ tử vong 100%.
Bác sĩ Mai Khuê chia sẻ thêm, bệnh than nhiễm qua đường hô hấp là dạng bệnh than nguy hiểm nhất. Tình trạng nhiễm trùng thường tiến triển trong vòng một tuần đến 2 tháng sau khi bị phơi nhiễm. Nếu không được điều trị, chỉ có khoảng 10-15% bệnh nhân mắc bệnh than nhiễm qua đường hô hấp sống sót. Tuy nhiên, với biện pháp điều trị tích cực, khoảng 55% bệnh nhân vượt qua được.
Bệnh than là bệnh truyền nhiễm nghiêm trọng do một loại vi khuẩn gam dương, hình que gọi là bacillus anthracis gây ra. Mầm bệnh than có ở trong đất và thường ảnh hưởng đến các động vật nuôi và động vật hoang dã. Mọi người có thể nhiễm vi khuẩn gây bệnh nếu tiếp xúc với các động vật bị bệnh hay các sản phẩm từ động vật nhiễm mầm bệnh.
Hiện chưa ghi nhận bệnh lây trực tiếp từ người sang người. Người bị nhiễm bệnh than khi hít phải các bào tử vi khuẩn, ăn thức ăn hay uống nước bị nhiễm bào tử vi khuẩn, hay nhiễm bào tử vi khuẩn qua các vết cắt hay xước da. Lúc này, các bào tử vi khuẩn xâm nhập vào bên trong cơ thể, sinh sôi nảy nở, tỏa ra khắp cơ thể, sản sinh ra các độc tố và gây ra tình trạng đau ốm nghiêm trọng.
Bác sĩ Mai Khuê khuyến cáo, với tính chất nguy hiểm của bệnh than đường hô hấp, bệnh nhân cần được chẩn đoán, điều trị sớm và hỗ trợ tích cực. Thở máy, truyền dịch và thuốc vận mạch có thể giảm tỷ lệ tử vong của bệnh than do hít phải. Những người có tiếp xúc với nguồn bệnh cần phòng ngừa sau phơi nhiễm bằng thuốc kháng sinh, tiêm chủng hoặc kháng thể đơn dòng. Những người không có triệu chứng (bao gồm cả phụ nữ mang thai và trẻ em) tiếp xúc với nguồn lây bệnh phải dự phòng bằng kháng sinh uống trong 60 ngày.
Với sự xuất hiện các ca bệnh than ở Điện Biên, người dân nên thực hành ăn chín, uống sôi, tránh tiêu thụ thịt động vật không rõ nguồn gốc. Nên đeo găng tay khi chế biến thịt sống và rửa tay bằng xà phòng sát khuẩn sau đó. Nếu nghi ngờ tiếp xúc với mầm bệnh, bạn nên đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được hướng dẫn xử trí sau phơi nhiễm. Khi xuất hiện các triệu chứng bệnh than, người bệnh cần đến bệnh viện để điều trị kịp thời.
Nguyên Phương