Theo PGS.TS.BS Nguyễn Xuân Hiền - Giám đốc Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, bản thân bệnh nhân đã tìm hiểu về lạc nội mạc tử cung nên cũng đã có kiến thức nhất định về căn bệnh này. Trên thực tế, khi bị lạc nội mạc tử cung, bệnh nhân thường sẽ bị đau nhiều, cơn đau sẽ kích thích đường tiêu hóa khiến người bệnh đi ngoài nhiều lần, buồn nôn.
Bạn nên đi siêu âm để xem tử cung có bị to không, lớp chuyển tiếp giữa nội mạc và cơ tử cung có dày không, nếu dày trên 8 mm thì nguy cơ bạn lạc nội mạc tử cung tương đối cao. Hình ảnh siêu âm tử cung sẽ cho chẩn đoán chính xác.
Khi đã có chẩn đoán chính xác, tùy theo nhu cầu, bạn có thể điều trị bảo tồn hoặc phẫu thuật cắt triệt để tử cung. Nếu đã có gia đình và sinh con, bạn có thể phẫu thuật; còn nếu vẫn muốn giữ tử cung, bạn cần siêu âm chính xác và thông báo cho bác sĩ biết tình trạng của mình... để xác định các nguyên nhân đau.
Bác sĩ Nguyễn Xuân Hiền cho hay, dù bị đau khi hành kinh, song có nhiều người cho rằng cơn đau đó là bình thường. Theo bác sĩ Hiền, nếu phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ bị đau bụng nhiều, thì nên đi khám, đừng để lạc nội mạc tử cung dày và nhiều, khả năng xơ hóa cơ tử cung khiến người bệnh khó mang thai về sau. Người bị đau nhưng vẫn có thể chịu đựng được, chưa phải dùng thuốc giảm đau, thì bạn chưa cần đi khám ngay.
"Trên thực tế, có trường hợp đau bụng nhiều năm liên tục, nhưng không đi khám mà dùng thuốc, sẽ gây tình trạng nhờn thuốc và nghiện thuốc. Nếu để càng lâu, hàng tháng máu chảy vào cơ tử cung, gây xơ hóa, khiến cơ tử cung không thể giãn ra được, khiến bạn khó có cơ hội mang thai", bác sĩ Hiền khuyến cáo.
Theo bác sĩ Hiền, trong mối quan hệ vợ chồng, ngoài việc thấu hiểu nhau, con cái cũng đóng vai trò quan trọng, cùng với đó là chất lượng cuộc sống của phụ nữ. Nếu cắt tử cung, sẽ dẫn đến khô âm đạo, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của phụ nữ. Do đó, người có dấu hiệu lạc nội mạc tử cung nên đi khám để được chẩn đoán chính xác và điều trị sớm.
Hà Thanh