Sau khi nhận thấy những dấu hiệu bất thường nghi ngờ ung thư của bà Nguyễn Thị Bính (62 tuổi, quận Đống Đa), các bác sĩ khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội cho truyền máu để giải quyết tình trạng thiếu máu và chỉ định các xét nghiệm cận lâm sàng tìm nguyên nhân.
Qua chụp cắt lớp vi tính, các bác sĩ nhận thấy đoạn cuối của đại tràng góc gan (đoạn gập khúc giữa đại tràng lên và đại tràng ngang) đến đại tràng ngang có hình ảnh dày thành đại tràng, chỗ dày nhất khoảng 15 mm, mất cấu trúc lớp, xâm lấn qua thanh mạc, thâm nhiễm tổ chức mỡ xung quanh và có nhiều hạch ổ bụng bất thường.
Bệnh nhân tiếp tục được nội soi và sinh thiết để làm giải phẫu bệnh. Kết quả cho thấy khối u đại tràng góc gan gây hẹp một phần lòng đại tràng và được chỉ định phẫu thuật cắt bỏ phần đại tràng có khối u ác tính.
TS.BS Trần Hải Bình - Phó trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội cho biết, sau phẫu thuật, toàn bộ khối u được cắt trọn, bệnh nhân ổn định, không có biến chứng, sức khỏe hồi phục nhanh. Mặc dù khối u đã được loại bỏ nhưng để ngăn ngừa tái phát sau phẫu thuật, bệnh nhân cần tiếp tục hóa trị bổ trợ.
Theo bác sĩ Bình, khoa Ung bướu đã phối hợp với bác sĩ dinh dưỡng thiết lập một chế độ dinh dưỡng đặc biệt cho bệnh nhân sau mổ, nhờ đó vết mổ liền nhanh, bệnh nhân tăng cân tốt để bước vào giai đoạn hóa trị.
Quá trình điều trị hóa chất của bà Bính rất ít tác dụng phụ, có một chút sạm da tay, da chân nhưng đã được bác sĩ điều chỉnh và dự phòng các thuốc phù hợp. Bệnh nhân tuân thủ điều trị tốt, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, tâm lý tốt nên sức khỏe hồi phục nhanh.
Theo thống kê của Globocan năm 2020, Việt Nam ghi nhận gần 16.000 ca mắc ung thư đại tràng mới, hơn 8.200 ca tử vong vì bệnh này. Bệnh thường gặp ở người trên 50 tuổi, tuy nhiên những năm trở lại đây, tỷ lệ mắc bệnh tăng ở giới trẻ.
Theo bác sĩ Bình, ung thư đại tràng giai đoạn sớm có triệu chứng không rõ ràng nên người bệnh thường chủ quan không đến các cơ sở y tế thăm khám. Trong trường hợp có các dấu hiệu như máu hoặc đàm nhớt trong phân; thay đổi về tính chất và hình dạng phân (phân dẹt hơn bình thường, có mùi tanh bất thường...); thay đổi thói quen đại tiện (đi tiêu lắt nhắt, táo bón hoặc tiêu chảy...); mệt mỏi; sụt cân không rõ lý do; xuất hiện khối u ở vùng bụng, bụng to dần... người bệnh cần thăm khám ngay để được chẩn đoán và can thiệp kịp thời.
Hiện nay, có nhiều phương pháp giúp phát hiện ung thư đại trực tràng ở giai đoạn sớm. Tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, các xét nghiệm thường được dùng để tầm soát bệnh này bao gồm xét nghiệm miễn dịch tìm máu ẩn trong phân (FIT) có thể phát hiện lượng máu rất nhỏ trong mẫu phân; nội soi đại trực tràng ống mềm nhuộm màu bằng dải băng hẹp NBI với độ phóng đại hàng trăm lần, giúp quan sát rõ nét các tổn thương, tránh bỏ sót tổn thương còn nhỏ giai đoạn sớm...
"Ung thư đại tràng có khả năng chữa khỏi lên tới 90% nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm. Nhiều bệnh nhân có thể sống tới 20 năm khi được chẩn đoán và điều trị đúng phác đồ. Tầm soát ung thư định kỳ đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện bệnh sớm để can thiệp kịp thời", bác sĩ Bình nhấn mạnh.
Khánh Chi