Ổ nấm gần não, hốc mắt, nguy hiểm khi phẫu thuật
Giữa tháng 10, bà Huỳnh Thị Thủy (78 tuổi, TP HCM) được người nhà đưa đến khoa Tai Mũi Họng tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh khám trong tình trạng đau đầu kéo dài chưa tìm ra nguyên nhân.
Sau khi thăm khám kết hợp nội soi mũi xoang, BS.CKII Trần Thị Thúy Hằng - Trưởng khoa Tai Mũi Họng nghi ngờ tình trạng đau đầu của bà Thủy không phải do bệnh về thần kinh nên đã đề nghị bệnh nhân chụp CT mũi xoang. Với kinh nghiệm nhiều năm trong chẩn đoán và điều trị các bệnh về tai mũi họng, bác sĩ Hằng nghi bệnh nhân bị viêm xoang do nấm. Kết quả hình ảnh CT cho thấy, các tổn thương nghi ngờ nấm trong lòng xoang bướm phải và xoang hàm sàng trái.
Theo bác sĩ Hằng, viêm xoang do nấm là một trong những nguyên nhân của viêm xoang mạn tính. Nấm xoang chia làm 3 giai đoạn: không xâm lấn, xâm lấn tại chỗ và xâm lấn nội sọ. Nấm có thể phát triển thành khối choán đầy trong xoang, phá hủy các thành xoang rồi xâm lấn vào những cơ quan lân cận như hốc mắt, sọ não.
Nấm xâm nhập vào hốc mắt sẽ làm mắt bệnh nhân bị mờ dần và có thể bị mù vĩnh viễn. Nếu xâm nhập vào nội sọ sẽ gây viêm màng não, viêm não hoặc xâm nhập vào các dây thần kinh và mạch máu sẽ gây liệt dây thần kinh và chảy máu ồ ạt khiến bệnh nhân tử vong.
Bác sĩ Hằng nhận định, đây là ca bệnh nặng do bà Thủy đã lớn tuổi, có bệnh nền tim mạch, ổ nấm đang sinh sôi mỗi ngày trong lòng xoang bướm kế sàn sọ não và xoang hàm sàng kế hốc mắt với nguy cơ gây biến chứng cao. Sau cuộc hội chẩn liên chuyên khoa với các bác sĩ tại Trung tâm Tim mạch và Trung tâm Gây mê hồi sức, bác sĩ Hằng và êkip đã thực hiện phẫu thuật nội soi để mở các khe xoang hàm sàng bướm.
Bác sĩ Hằng cho biết, viêm xoang do nấm chiếm khoảng 10% trong số các ca bệnh viêm xoang, là một dạng đặc biệt của viêm xoang. Bệnh này cần phải mổ và làm sạch nấm trong xoang mới có thể điều trị triệt để. Tuy nhiên, bà Thủy bị nấm ở nhiều vị trí trong các xoang nên ca mổ phức tạp hơn, vị trí các xoang kế các cấu trúc quan trọng như hốc mắt, sọ não, động mạch cảnh, thần kinh thị giác.
Êkip của bác sĩ Hằng sử dụng hệ thống máy nội soi 4K, các dụng cụ phẫu thuật nội soi mũi xoang nâng cao của Đức và áp dụng kỹ thuật mổ mũi xoang hiện đại. Ca mổ diễn ra trong 90 phút. "Nấm trong các lòng xoang đã được chúng tôi lấy sạch nhưng vẫn đảm bảo an toàn cho người bệnh", bác sĩ Hằng nói.
Chỉ sau hai ngày nằm viện điều trị, người bệnh không bị biến chứng, phục hồi tốt và được xuất viện sớm.
Viêm xoang do nấm cần được điều trị sớm
Giống như viêm xoang do các tác nhân khác, viêm xoang do nấm cũng có những triệu chứng tương tự. Tùy theo xoang bị bệnh mà có triệu chứng khác nhau. Những triệu chứng thường gặp là nhức đầu, nghẹt mũi, chảy mũi hôi. Khi bị viêm xoang hàm sàng, bệnh nhân thường nhức đầu vùng gò má, thái dương. Với viêm xoang bướm, nhức đầu thường khu trú ở vùng đỉnh, vùng chẩm lệch về bên xoang bị bệnh. Ðôi khi khịt mũi, khạc đàm có lẫn ít máu.
Bác sĩ Hằng cho biết, khối nấm trong xoang phải được lấy ra qua phẫu thuật nội soi mũi xoang, bơm rửa sạch lòng xoang. Nấm chỉ gây bệnh ở mũi xoang khi gặp điều kiện thuận lợi. Vì vậy, cần phải giải quyết những yếu tố đó bằng cách lấy dị vật trong mũi xoang, xử lý những nguyên nhân gây bít tắc xoang như cắt polyp mũi hoặc những bất thường cấu trúc khác trong mũi... Thuốc kháng nấm có thể được sử dụng sau phẫu thuật tùy theo giai đoạn của bệnh và đôi khi phải phối hợp nhiều loại. Tuy nhiên, thuốc kháng nấm thường gây độc cho gan nên cần kiểm tra chức năng gan trước khi dùng thuốc.
Chăm sóc và vệ sinh xoang sau phẫu thuật điều trị viêm xoang do nấm cũng rất quan trọng nhằm hạn chế khả năng tái phát. Ngoài dùng thuốc điều trị theo bác sĩ hướng dẫn, người bệnh cần thực hiện các phương pháp rửa mũi bằng nước muối sinh lý và tái khám theo đúng lịch hẹn.
Tên người bệnh đã được thay đổi.
Châu Vũ