Trả lời:
Làm việc, sinh hoạt, đi lại nhiều dưới ánh nắng mặt trời dễ gây mất nước do đổ mồ hôi, mất điện giải. Người bệnh dễ say nắng, sốc nhiệt, biểu hiện thường gặp là khát nước, môi khô, da nóng, sốt, choáng váng, đau đầu, yếu cơ, buồn nôn và nôn, ngất xỉu, hôn mê.
Đột quỵ xảy ra khi mạch máu não bị tắc nghẽn hoặc vỡ. Biểu hiện đặc trưng liên quan đến ngôn ngữ, vận động, cảm giác, khứu giác, thính giác... Trong đó, các biểu hiện thường gặp nhất là liệt mặt, méo miệng, yếu liệt tay chân, nói đớ, nói khó, đau đầu dữ dội, buồn nôn, nôn... Các dấu hiệu của đột quỵ thường xảy ra đột ngột.
Như bạn mô tả, các biểu hiện của bạn thường xảy ra sau khi đi nắng về thì khả năng do say nắng, sốc nhiệt. Tuy nhiên, không nên chủ quan vì sốc nhiệt là yếu tố có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ, nhất là ở người có sẵn các vấn đề sức khỏe như tăng huyết áp, bệnh tim mạch, đái tháo đường, béo phì, cao cholesterol trong máu...
Khi đi ngoài trời, bạn nên uống đủ nước, che chắn bằng nón, áo khoác, kính râm, nghỉ ngơi đầy đủ. Khi vào nhà cần có thời gian 10-15 phút ngồi ở phòng có nhiệt độ bình thường, sau đó mới sử dụng máy lạnh, tránh sốc nhiệt. Nếu nghi ngờ đột quỵ, bạn nên đi khám sức khỏe và tầm soát đột quỵ để phát hiện sớm các nguy cơ, chủ động phòng bệnh.
Đột quỵ là tình trạng y tế khẩn cấp. Thời gian vàng trong cấp cứu đột quỵ nhồi máu não là 3-4,5 giờ đầu kể từ khi có triệu chứng, có thể mở rộng lên 6 giờ hoặc hơn với can thiệp nội mạch lấy huyết khối ở mạch máu lớn. Tuy nhiên, cấp cứu càng sớm càng tốt, hiệu quả nhất là trong 60 phút đầu tiên.
Cứ một giờ trôi qua, người đột quỵ mất đi 3,7 năm tuổi. Cấp cứu càng muộn não càng già, càng teo đi. Do đó, khi có dấu hiệu nghi bị đột quỵ, người bệnh hay người nhà nên đến bệnh viện có chuyên môn đột quỵ để được cấp cứu, can thiệp sớm, trong khung giờ vàng.
TS.BS. Lê Văn Tuấn
Giám đốc Trung tâm Khoa học Thần kinh
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh thần kinh tại đây để được bác sĩ giải đáp |