ThS.BSCKII Chu Tấn Sĩ (Trưởng khoa Ngoại thần kinh, Trung tâm Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM) mổ lấy khối u tuyến yên ở giữa não cho chị Trần Thị Ngọc (huyện Cần Giờ) vào ngày 10/3. Người bệnh hồi phục và xuất viện 3 ngày sau.
Trước đó khoảng một tháng, chị Ngọc có dấu hiệu đau đầu, chóng mặt; uống thuốc giảm đau nhưng không cải thiện, nhất là lúc ngưng thuốc, những cơn đau âm ỉ trở lại. Chị không thể tập trung làm việc, đi đứng loạng choạng nên đến bệnh viện khám sức khỏe.
ThS.BS Phan Thị Ngọc Lời (khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM) thăm khám, chụp cộng hưởng từ (MRI) sọ não, phát hiện khối u tuyến yên 1,6 cm.
ThS.BS Trần Nguyễn Quỳnh Trâm (Khoa Nội tiết - Đái tháo đường) chia sẻ thêm u tuyến yên của người bệnh không gây tăng tiết hormone nhưng kích thước lớn gây ra chèn ép, làm giảm thị lực, đau đầu. Do đó, người bệnh được phẫu thuật lấy khối u nhằm cải thiện các triệu chứng trên, phòng ngừa suy tuyến yên, ảnh hưởng chức năng tuyến giáp.
Bác sĩ sử dụng kính vi phẫu kết hợp hệ thống định vị dẫn đường (Navigation) đưa dụng cụ qua lỗ mũi của người bệnh để tiếp cận khối u. Với sự hỗ trợ của máy móc, trên màn hình 3D, êkip có thể thấy rõ cấu trúc não, rút ngắn thời gian phẫu thuật dưới 60 phút. Êkip bóc tách để giảm thể tích khối u mà không chạm đến điểm giao đồi thị (vùng não nhận kết nối thần kinh từ các vùng cảm giác chính), tránh ảnh hưởng đến cấu trúc thần kinh, hạn chế biến chứng.
Bác sĩ Sĩ chia sẻ, u tuyến yên nằm ở vị trí trung tâm não bộ, tiếp giáp điểm giao đồi thị và hai động mạch cảnh. Đây là vùng rất nhạy cảm, dễ biến chứng nếu không thấy rõ vị trí để phẫu thuật. Trước đây, phẫu thuật u tuyến yên thường kết hợp với máy C-arm để xác định vị trí nhưng khi đưa dụng cụ vào đường mũi thì không biết rõ dụng cụ đang ở đâu, phải di chuyển như thế nào, dễ dẫn đến tai biến chảy máu não, rò dịch não tủy, nhiễm trùng gây viêm màng não, viêm não thất... Hiện nay, các máy móc được cải tiến đã khắc phục được những nhược điểm này.
Theo các bác sĩ, quá trình mổ của chị Ngọc ít nhiều tác động lên cuống tuyến yên. Nếu cuống tuyến yên tổn thương dẫn đến đái tháo nhạt (nước tiểu pha loãng) và rối loạn điện giải. Do đó, sau phẫu thuật, người bệnh được theo dõi sát các chỉ số natri máu, lượng nước tiểu... trong một ngày. Bệnh nhân tiến triển tốt, xuất viện 3 ngày sau, được hướng dẫn uống thuốc và tái khám định kỳ.
Tuyến yên có vai trò điều hòa các hormone trong cơ thể. Một số khối u loại này tạo ra nhiều hormone như tăng tiết prolactin dẫn đến khó có con, thậm chí vô sinh; tăng tiết hormone tăng trưởng gây bệnh to đầu chi ở người lớn và bệnh khổng lồ ở trẻ em, thanh thiếu niên. Nhiều trường hợp khối u sản xuất ít hormone hơn, gây suy tuyến yên.
Đa số khối u tuyến yên lành tính, phát triển chậm, không có triệu chứng. Song, người bệnh cần theo dõi và điều trị khi cần thiết. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp ở người già. Để phòng ngừa bệnh, mọi người nên sinh hoạt lành mạnh, ăn uống hợp lý, hạn chế sử dụng rượu bia và các chất kích thích, ngủ đủ giấc và giữ tinh thần thoải mái...
Nguyễn Trăm
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi.