Ông Kha đau cổ hơn 5 năm nay, chỉ uống thuốc điều trị do "sợ phẫu thuật sẽ bị liệt". Gần đây, đau nặng hơn lan xuống vai và tay gây tê bì, yếu cơ, cầm nắm khó khăn, ông đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM khám. Kết quả chụp MRI cho thấy ống sống cổ hẹp nghiêm trọng tại các đốt C4-C5 và C6-C7, kèm thoát vị đĩa đệm.
Ngày 23/5, BS.CKI Huỳnh Trí Dũng, khoa Phẫu thuật Thần kinh, Trung tâm Khoa học Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, cho biết ống sống cổ của bệnh nhân hẹp khoảng 70%, chèn ép lên tủy sống gây ra các triệu chứng. Nếu không can thiệp kịp thời, người bệnh có thể bị tổn thương tủy không hồi phục, dẫn đến yếu liệt tay và rối loạn chức năng vĩnh viễn.

Hình MRI vị trí hẹp ống sống cổ chèn ép vào tủy của ông Kha. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Các bác sĩ quyết định phẫu thuật giải ép tủy, lấy đĩa đệm, ghép xương và cố định cột sống cổ (phẫu thuật ACDF) tại hai tầng C4-C5 và C6-C7 cho ông Kha. Kính vi phẫu Kinevo 900 ứng dụng AI cho phép bác sĩ thao tác chính xác, hạn chế xâm lấn.
Bác sĩ rạch một đường nhỏ ở trước cổ, tiếp cận vùng cột sống bị tổn thương. Sau khi bóc tách các cấu trúc quan trọng như cơ cổ, thực quản, khí quản và bó mạch cảnh, bác sĩ dùng hệ thống chụp X-quang liên tục trong lúc mổ C-Arm nhằm tiếp cận mặt trước thân sống và xác định vị trí chính xác của hai khe gian đốt cần can thiệp.
Thông qua kính vi phẫu, bác sĩ loại bỏ nhân đĩa đệm thoái hóa và mài các gai xương đang chèn ép vào bao tủy, nhất là tại tầng C4-C5 - nơi tủy sống bị chèn ép nhiều nhất. Dây chằng dọc sau cũng được cắt bỏ nhằm giải phóng hoàn toàn áp lực lên bao tủy và rễ thần kinh.
Theo bác sĩ Dũng, ở giai đoạn giải ép, các thao tác phải chính xác vì chỉ sai lệch nhỏ cũng có thể gây tổn thương tủy. Nhờ sự hỗ trợ của kính vi phẫu AI phóng đại trường mổ, êkíp có thể loại bỏ tổn thương an toàn và triệt để.

Bác sĩ thực hiện giải ép tủy sống cổ cho ông Kha. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Sau khi giải ép thành công, êkíp ghép xương và đặt đĩa đệm động giúp cố định cột sống tại hai vị trí đã can thiệp, tạo sự vững chắc cho cột sống, ngăn ngừa di lệch, đồng thời thúc đẩy quá trình liền xương, giúp cột sống cổ ổn định lâu dài. Một ngày sau phẫu thuật, ông Kha giảm đau cổ và tê bì ở tay. Sau ba ngày, ông tự đi lại và thực hiện các sinh hoạt cá nhân mà không cần nhờ người thân hỗ trợ.
Ông Kha là một trong rất nhiều trường hợp trì hoãn điều trị mổ cột sống do lo ngại biến chứng, khiến bệnh diễn tiến nặng. Hiện với sự phát triển của y học hiện đại, nhiều bệnh lý cột sống - thần kinh phức tạp có thể được điều trị hiệu quả. Người bệnh không nên sợ rủi ro mà bỏ lỡ "thời gian vàng" can thiệp. Nếu có các dấu hiệu đau cổ, tê tay, yếu cơ, người bệnh nên đến cơ sở y tế chuyên sâu để được đánh giá và điều trị kịp thời.
Lan Anh
*Tên của người bệnh đã được thay đổi
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh thần kinh tại đây để bác sĩ giải đáp |