Ổ bụng chứa nhiều cơ quan nội tạng của cơ thể. Trong đó, xung quanh vùng rốn là nơi giao nhau của nhiều bộ phận quan trọng. Khi có cảm giác đau quanh vùng rốn, người bệnh cần lưu ý.
Theo bác sĩ, Tiến sĩ Vũ Trường Khanh, Trưởng khoa Tiêu hóa - Gan mật - Tụy, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, những cơn đau này có thể âm ỉ kéo dài hoặc dữ dội phải đi cấp cứu, khiến người bệnh mệt mỏi khó chịu, thậm chí không ngồi hay đi đứng được. Tùy vào mỗi vị trí và mức độ, cơn đau lại biểu hiện một vấn đề khác nhau.
Nhiễm giun
Nhiễm giun là tình trạng phổ biến gây ra những cơn đau bụng âm ỉ xung quanh rốn, nhất là khi đói ở cả vùng thượng vị và bụng dưới. Người bệnh còn có biểu hiện buồn nôn, đầy bụng, khó tiêu, chán ăn, tiêu chảy... Trường hợp giun đũa nhiều có thể gây tắc ruột.
Ngộ độc thức ăn và nguyên nhân tiêu chảy khác
Ngộ độc thức ăn, nhiễm virus đường tiêu hóa gây tiêu chảy (thường gặp là Rotavirus, Norovirus)... cũng có thể gây đau quặn từng cơn vùng giữa bụng, xung quanh rốn, nôn mửa. Sau đó, người bệnh có thể đại tiện phân lỏng hoặc nhiều nước, có khi kèm theo sốt hoặc sốt xuất hiện trước trong trường hợp nhiễm virus.
Tắc ruột
Tình trạng bán tắc hoặc tắc ruột non có thể gây ra những cơn đau dữ dội vùng bụng quanh rốn kèm theo bí trung đại tiện (phân chứa ở đường ruột quá lâu), căng chướng bụng, buồn nôn hoặc nôn liên tục. Khi bị tắc ruột, người bệnh cần được cấp cứu để giảm thiểu rủi ro. Nếu phát hiện và can thiệp muộn, khả năng phục hồi của ruột sau điều trị giảm đáng kể. Người bệnh có thể bị hoại tử ruột, viêm màng bụng, thậm chí tử vong. Các nguyên nhân tắc ruột thường gặp như do bã thức ăn, u ruột, tắc ruột dây chằng...
Viêm ruột thừa
Nếu cơn đau âm ỉ tập trung xung quanh rốn, sau đó, lan đến góc phần tư bên phải phía dưới bụng hoặc lưng với mức độ ngày càng dữ dội, kèm theo các triệu chứng sốt, tiêu chảy hoặc táo bón, buồn nôn, đầy hơi, có thể là dấu hiệu của đau ruột thừa. Người bệnh cần nhanh chóng nhập viện vì đau ruột thừa không điều trị kịp thời có thể khiến ruột thừa bị vỡ, gây viêm phúc mạc, nhiễm trùng vùng bụng hoặc tử vong.
Bệnh Crohn
Những cơn đau bụng khởi phát từ xung quanh rốn, sau lan khắp bất kỳ vùng nào của bụng có thể là dấu hiệu của bệnh Crohn (viêm ruột). Bệnh còn gây ra các triệu chứng khác như tiêu chảy, đi ngoài ra máu, sụt cân, mệt mỏi, suy nhược.
Phình tách động mạch chủ bụng
Phình tách động mạch chủ bụng cũng có thể gây ra đau âm ỉ hoặc dữ dội ở vùng quanh rốn. Bệnh thường gặp ở người cao tuổi có các yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, tiểu đường... Nếu vỡ khối phình có thể gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.
Thiếu máu mạc treo ruột
Thiếu máu mạc treo ruột có thể là cấp tính hoặc mạn tính. Người bệnh xuất hiện đau bụng, buồn nôn hoặc nôn, nếu tổn thương ruột có thể gây đại tiện phân lẫn máu, trường hợp nặng có thể gây hoại tử ruột. Bệnh thường gặp ở người cao tuổi có các yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, tiểu đường, tăng mỡ máu... Bệnh xảy ra do tình trạng hẹp mạch máu ở ruột, gây thiếu máu nuôi dưỡng các tế bào. Tùy theo mức độ hẹp mà người bệnh có dấu hiệu lâm sàng đau nhẹ hoặc có các triệu chứng rầm rộ.
Theo Tiến sĩ Khanh, nhiều trường hợp đau bụng chỉ thoáng qua, không dữ dội. Tuy nhiên nếu những cơn đau quặn xung quanh rốn xảy ra thường xuyên, không có dấu hiệu thuyên giảm, thậm chí nặng nề hơn; sốt; bụng sưng; tiêu chảy, nôn hoặc đi ngoài ra máu; khó thở; giảm cân không rõ nguyên nhân... người bệnh nên đi khám ngay.
Ngoài khai thác bệnh sử và thăm khám lâm sàng, bác sĩ sẽ chỉ định làm thêm các xét nghiệm máu, phân tích nước tiểu, lấy mẫu phân để kiểm tra mầm bệnh, chụp X-quang, siêu âm... Tùy vào nguyên nhân gây đau bụng, người bệnh có thể được điều trị bằng thuốc hoặc phẫu thuật can thiệp ngoại khoa trong trường hợp khẩn cấp.
Trịnh Mai