Trước đó, chị Mẫn, ngụ Bà Rịa Vũng Tàu, được chẩn đoán viêm dạ dày nhẹ nhưng uống thuốc không bớt. Gần đây, chị đau thường xuyên lan ra sau lưng kèm cảm giác nóng rát vùng ngực, mất ngủ, khám không tìm ra nguyên nhân.
Kết quả chụp CT tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cho thấy mỏm mũi kiếm kéo dài hơn 6 cm, khớp giữa thân và mũi kiếm xương ức bị vôi hóa và có khối sụn lớn, kích thước 3x2x1,5 cm. Ngày 30/1, ThS.BS Trần Thúc Khang, khoa Phẫu thuật Tim mạch - Lồng ngực, Trung tâm Tim mạch, cho biết chính khối sụn này đẩy mũi ức quặp vào phía sau gây đau.
Xương ức gồm ba phần là cán xương ức (ở trên), thân xương ức (ở giữa) và mũi kiếm xương ức (ở dưới thấp). Giữa các phần này được gắn kết bởi khớp sợi bán động. Mũi kiếm xương ức thường nhỏ, dài và gắn kết với tổ chức phần mềm có nhiều đầu mút thần kinh. Tỷ lệ người bệnh bị đau do mũi xương ức (Xiphodynia) không được ghi nhận rõ, các chuyên gia cho rằng đây là tổn thương ít gặp.
ThS.BS Nguyễn Hồng Vinh, khoa Ngoại Tim mạch - Lồng ngực, Trung tâm Tim mạch, cho biết tình trạng đau mũi ức thường được điều trị nội khoa (thuốc giảm đau, tiêm thuốc trực tiếp, chườm nóng hay lạnh...) và phẫu thuật. Tuy nhiên, chị Mẫn đã dùng đến ba loại thuốc giảm đau phối hợp trong thời gian dài vẫn không bớt. Ngoài ra, khớp thân - mũi kiếm xương ức cốt hóa nên tiêm thuốc giảm đau không khắc phục được triệu chứng. Bác sĩ quyết định phẫu thuật cắt mũi ức cùng khối sụn ở khớp thân - mũi kiếm xương ức cho bệnh nhân.
Sau mổ, chị Mẫn hết đau ngực - bụng, sinh hoạt bình thường và xuất viện vào hôm sau. Kết quả giải phẫu bệnh cho thấy u xơ sụn lành tính.
Nếu không được phát hiện và điều trị chậm trễ khiến mức độ đau nặng, người bệnh phải uống nhiều thuốc, lâu dài gây biến chứng dạ dày, gan, thận... Vùng mũi ức viêm sẽ lan rộng làm tổn thương khu vực xung quanh, theo bác sĩ Vinh.
Bác sĩ khuyến cáo người bị đau mạn tính kéo dài ở vùng ngực - bụng cần đi khám sớm để điều trị kịp thời.
Thu Hà
* Tên người bệnh đã được thay đổi
Độc giả đặt câu hỏi bệnh tim mạch tại đây để bác sĩ giải đáp |