Ngày 31/8, tiến sĩ, bác sĩ Lê Phúc Liên, Trưởng Đơn vị Niệu Nữ, Trung tâm Tiết niệu - Thận học - Nam khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết bà Nga đi tiểu không tự chủ do các cơ sàn chậu và cơ vòng niệu đạo suy yếu sau khi sinh con và lão hóa. Các phương pháp điều trị ít xâm lấn khác như tập sàn chậu, laser âm đạo, đặt vòng nâng âm đạo... không còn hiệu quả. Phẫu thuật là phương án cuối cùng. Bác sĩ chỉ định phẫu thuật đặt lưới nâng niệu đạo TOT (transobturator tape) cho người bệnh.
Lưới nâng niệu đạo có tác dụng nâng đỡ cho các vòng cơ niệu đạo đã suy yếu. Khi bàng quang chứa đầy nước tiểu hoặc khi người bệnh ho, hắt hơi, hoạt động gắng sức, áp lực ổ bụng tăng chèn ép niệu đạo, tấm lưới thu hẹp lòng niệu đạo, ngăn nước tiểu rỉ ra ngoài.
Êkíp rạch hai đường nhỏ hai bên thành trước âm đạo và một đường nhỏ trong âm đạo. Sau đó, bác sĩ dùng dụng cụ chuyên dụng luồn một tấm lưới dài 50 cm, rộng 1 cm xuống dưới 1/3 giữa của niệu đạo. Hai đầu tấm lưới được luồn từ thành trước âm đạo qua hai lỗ bịt của xương chậu rồi ra ngoài cơ thể thông qua hai đường rạch da ở nếp bẹn.
Độ căng của tấm lưới được điều chỉnh nhằm nâng niệu đạo lên mức độ phù hợp. Sau khi cắt bỏ phần lưới thừa ở hai đầu, các bác sĩ đóng các vết mổ lại, hoàn thành ca phẫu thuật sau 30 phút.
Theo bác sĩ Liên, đặt lưới nâng niệu đạo TOT là phẫu thuật điều trị són tiểu ít xâm lấn, an toàn, hiệu quả cao, không biến chứng, ít để lại sẹo. Tấm lưới nâng niệu đạo dùng để phẫu thuật cho bà Nga có chất liệu PVDF mới nhất, với thiết kế tiên tiến, mềm mại nhưng bền chắc. Sau phẫu thuật, tấm lưới không bị lộ ra ngoài, duy trì hiệu quả, giảm biến chứng trong thời gian dài. Các lỗ trên tấm lưới rất nhỏ và mịn, giúp các mô cơ dễ dàng xuyên qua tạo thành một thể thống nhất sau khi vết mổ phục hồi. Qua đó, tấm lưới được cố định chắc chắn, kéo dài hơn hiệu quả phẫu thuật.
Một ngày sau, bà Nga phục hồi nhanh, không đau, triệu chứng són tiểu giảm, được xuất viện. Khi vết mổ hoàn toàn phục hồi sau một tháng, tình trạng són tiểu sẽ không còn.
Tiểu không tự chủ, (són tiểu) phổ biến ở nữ giới hơn nam giới do nhiều nguyên nhân. Cơ sàn chậu của phụ nữ suy yếu do quá trình mang thai và sinh em bé (nhất là sinh thường), lão hóa, suy giảm nội tiết tố estrogen ở thời kỳ mãn kinh, thừa cân béo phì hoặc di chứng sau phẫu thuật, xạ trị tử cung...
Són tiểu gây nhiều phiền toái, ảnh hưởng tâm lý và chất lượng cuộc sống. Phụ nữ bị són tiểu lâu năm có nguy cơ nhiễm trùng đường tiểu cao hơn và dễ gặp các vấn đề da liễu như lở loét, viêm da, ngứa da.
Bác sĩ Phúc Liên khuyến cáo phụ nữ đang bị són tiểu nên đến bệnh viện khám, xác định nguyên nhân, điều trị phù hợp. Phòng ngừa són tiểu bằng cách ăn uống lành mạnh, kiểm soát cân nặng phù hợp, uống 1,5-2 lít nước mỗi ngày; hạn chế sử dụng bia rượu, nước ngọt, các loại nước lợi tiểu; chú ý tập sàn chậu đều đặn sau khi sinh con, nhất là phụ nữ sinh thường.
Thắng Vũ
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh tiết niệu tại đây để bác sĩ giải đáp |