Són tiểu hay tiểu không tự chủ là tình trạng nước tiểu tự động rỉ ra không kiểm soát khi ho, hắt hơi, cười... hoặc có cảm giác muốn đi tiểu đột ngột không thể nhịn tiểu. Tuy không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe nhưng són tiểu gây nhiều phiền toái, khiến người bệnh tự ti.
Theo TS.BS Lê Phúc Liên, Trưởng Đơn vị Niệu nữ, Trung tâm Tiết niệu - Thận học - Nam khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, tiểu không tự chủ có thể xảy ở nhiều độ tuổi nhưng thường gặp ở người lớn tuổi, nhất là phụ nữ. Bác sĩ dẫn nghiên cứu ước tính thế giới có khoảng 40% phụ nữ trên 55 tuổi mắc tiểu không tự chủ, nguyên nhân bao gồm:
Lão hóa: Càng lớn tuổi, sức co cơ niệu đạo, cơ bàng quang, cơ sàn chậu càng suy yếu do lão hóa, khiến khả năng giữ nước tiểu của bàng quang suy giảm.
Bàng quang tăng hoạt: Đây là tình trạng cơ bàng quang co bóp không đúng lúc, tạo ra cảm giác muốn đi tiểu đột ngột, liên tục, khó kiểm soát. Bàng quang tăng hoạt thường gặp ở phụ nữ, nhất là người lớn tuổi.
Tổn thương thần kinh: Phụ nữ lớn tuổi dễ gặp các vấn đề liên quan đến hệ thần kinh như bệnh Alzheimer (chứng suy giảm trí nhớ ở người già), bệnh Parkinson (bệnh chân tay run)... khiến khả năng kiểm soát cơ bàng quang, cơ thắt niệu đạo giảm, gây són tiểu.
Nhiều lần sinh con: Phụ nữ lớn tuổi đã trải qua trên một lần mang thai và sinh con, nhất là sinh thường, dễ bị tiểu không tự chủ. Nguyên nhân do áp lực của bào thai làm tổn thương, suy yếu hệ thống cơ vùng chậu, khiến các cơ quan vùng chậu (tử cung, bàng quang, âm đạo, buồng trứng) sa xuống, gây ra tình trạng són tiểu.
Giảm nội tiết tố nữ: Tuổi tác càng tăng, nội tiết tố nữ estrogen trong cơ thể phụ nữ cũng suy giảm theo. Estrogen là thành phần tham gia tạo nên sức mạnh cho cơ thắt niệu đạo. Suy giảm estrogen do tuổi tác khiến cơ niệu đạo suy yếu, giữ nước tiểu kém đi, khiến phụ nữ gặp tiểu không tự chủ, tiểu nhiều lần, tiểu lắt nhắt.
Ngoài ảnh hưởng chất lượng cuộc sống, phụ nữ lớn tuổi bị tiểu không tự chủ còn có nguy cơ gặp các về đề da liễu (lở loét, mẩn ngứa...), nhiễm trùng đường tiểu tái phát nhiều lần nếu không giữ vệ sinh tốt hay điều trị triệt để.
Hiện có nhiều phương pháp điều trị tiểu không tự chủ. Tùy từng trường hợp, bác sĩ đưa ra các phương pháp phù hợp. Một số biện pháp có thể thực hiện tại nhà như luyện tập kiểm soát bàng quang (tập nhịn tiểu, kéo dài thời gian giữa hai lần đi tiểu); tập sàn chậu; kiểm soát cân nặng; thay đổi thói quen sinh hoạt. Nếu không hiệu quả, người bệnh cần được can thiệp điều trị y khoa như dùng thuốc, kích thích dây thần kinh chày, tiêm botox cơ bàng quang, đặt vòng nâng âm đạo, phẫu thuật.
Bác sĩ Phúc Liên khuyến cáo phụ nữ lớn tuổi bị tiểu không tự chủ cần đến bệnh viện khám, xác định nguyên nhân và điều trị phù hợp.
Thắng Vũ
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh tiết niệu tại đây để bác sĩ giải đáp |