Tùy thói quen uống cà phê hằng ngày, bạn có thể cân chỉnh và giảm bớt lượng cà phê tiêu thụ và không cần dừng uống. Hầu hết các nghiên cứu cho thấy, mẹ bầu nạp một ít caffeine trong ngày không gây ảnh hưởng đến thai nhi. Tuy nhiên, bạn cần chọn lựa, cân nhắc loại cà phê khi uống, kiểm tra hàm lượng caffeine ở mức phù hợp với cơ địa, theo Verywell Family.
Theo Đại học Sản phụ khoa (Mỹ), tổng lượng caffeine mẹ bầu có thể dùng nên dưới 200 miligam mỗi ngày. Uống quá nhiều cà phê có thể gây ra vấn đề cho cả mẹ và thai nhi trong quá trình phát triển. Tiêu thụ quá nhiều caffeine làm tăng nguy cơ sẩy thai hoặc nguy cơ sinh bé nhẹ cân. Mẹ bầu có thể bị căng thẳng, mất ngủ và ợ nóng.
Một tách rưỡi cà phê (khoảng 355 ml) có khoảng 200 miligram caffeine tùy thương hiệu và loại hạt cà phê bạn dùng. Caffeine cũng có trong các nguồn khác như trà, soda và socola. Bạn nên kiểm tra nhãn, đọc hàm lượng caffeine có trong sản phẩm để cân nhắc sử dụng. Phụ nữ mang thai chỉ nên uống một tách cà phê hằng ngày. Bạn nên chọn dùng loại cà phê mình thích và tính toán hàm lượng caffeine có trong thành phẩm và gắn bó đến cuối thai kỳ.
Khoảng 355 ml cà phê mỗi ngày được cho là an toàn cho thai nhi đang phát triển. Tuy nhiên, theo Viện nghiên cứu sức khỏe Quốc gia (NIH, Mỹ), tiêu thụ hơn 200 miligam caffeine mỗi ngày có thể gây vấn đề nhẹ cân ở trẻ cũng như tăng nguy cơ sẩy thai hoặc thai chết lưu.
Khi mang thai phụ nữ thường mệt mỏi hơn thường ngày. Mệt mỏi có thể xảy đến khi mẹ bầu đang cảm thấy căng thẳng hoặc đang cần cung cấp thêm chất sắt. Vì vậy, thai phụ cần ngủ nhiều hơn. Thăm khám với bác sĩ nếu bạn có nhu cầu uống cà phê để theo dõi lượng caffeine nên tiêu thụ và vẫn an toàn cho thai kỳ.
Các lưu ý an toàn
Caffeine đi qua nhau thai nên sẽ đi vào máu của em bé. Hệ tiêu hóa của thai nhi không thể chuyển hóa caffeine hiệu quả. Vì thế, dùng hơn 200 miligram caffeine mỗi ngày có thể ảnh hưởng đến sức khỏe mẹ và bé trong quá trình thai kỳ. Các vấn đề sau có thể xảy ra khi mẹ bầu uống cà phê vượt mức cho phép.
Tăng huyết áp
Nếu bạn có tiền sử cao huyết áp và mang thai, mẹ bầu nên được khuyến nghị lượng caffeine phù hợp theo tư vấn của bác sĩ sản.
Mất ngủ
Mang thai có thể gây tăng cảm giác mệt mỏi đến một số mẹ bầu. Ngoài ra, sự thay đổi hình dáng cơ thể ở những tháng cuối thai kỳ có thể gây khó khăn trong giấc ngủ. Vì vậy, mẹ bầu nên giảm thiểu rủi ro khó ngủ do caffeine.
Sinh bé nhẹ cân
Tiêu thụ hơn 200 miligram caffeine mỗi ngày có thể gây nguy cơ sinh con nhẹ cân. Nghiên cứu từ CDC cho biết, trẻ sơ sinh nhẹ cân có nhiều nguy cơ mắc các vấn đề về hô hấp và vàng da.
Mẹ bầu bị căng thẳng
Caffeine gây tăng sản xuất cortisol trong cơ thể làm tăng phản ứng căng thẳng của cơ thể. Nghiên cứu của tổ chức eLife (2020) cho thấy, mẹ khi mang thai bị căng thẳng có thể ảnh hưởng đến khả năng điều hòa cảm xúc của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
Nguy cơ sẩy thai
Tuy caffeine giải phóng hormone để phản ứng với sự căng thẳng nhưng không tốt cho mẹ đang mang thai, có khả năng dẫn đến sảy thai hoặc thai chết lưu.
Có thể là một thử thách khi cắt bỏ hoàn toàn lượng caffeine ra khỏi nhịp sinh hoạt của các mẹ bầu. Vì vậy, bạn có thể tập thói quen giảm dần lượng caffeine tiêu thụ từ trước thai kỳ, sau đó dừng dùng trong khi mang thai cho đến khi sinh con.
Khi đang cho con bú, bạn có thể bắt đầu giới hạn uống 400 miligram caffeine mỗi ngày. Do sẽ có một lượng rất thấp caffeine sẽ đi vào sữa mẹ nên các mẹ có thể tiêu thụ một lượng cà phê khoảng 3 cốc nhỏ.
Các mẹ sinh non được khuyến nghị nên giữ lượng nạp caffeine ở mức 200 miligram và cần hỏi ý kiến bác sĩ về khoảng thời gian thích hợp có thể dùng cà phê trở lại.
Nếu khó cắt bỏ hoàn toàn cà phê ra khỏi chế độ ăn uống, bạn có thể giảm dần và thay bằng cà phê decaf (cà phê đã chiết xuất caffeine về mức gần bằng 0).
Ngoài ra, có thể uống trà xanh hoặc trà đen để thay thế cho cà phê, bởi caffeine của thức uống này ở mức thấp, an toàn hơn cho thai kỳ và không gây cảm giác bồn chồn.
Mai Trinh
(Theo Verywell Family)