Cuộc chiến chống dịch Covid-19 bước vào giai đoạn quyết định, với lời hiệu triệu "Mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh". Trong cuộc chiến chống lại đại dịch, Việt Nam đã có biết bao anh hùng thầm lặng, không quản gian khó hy sinh, không toan tính đến việc riêng tư hay sự an toàn của bản thân để cứu chữa cho những người bệnh. Ngoài đội ngũ y bác sĩ, chiến sĩ lực lượng vũ trang nơi tuyến đầu chống dịch, sẽ thật thiếu sót nếu không kể đến sự cống hiến thầm lặng của những con người khác.
Từ khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại, nhiều cán bộ hưu trí trong khu phố tôi sinh sống đã rất hăng hái tham gia chống dịch, mỗi người một việc, đi từ sớm đến tận khuya mới về, hiếm có bữa cơm gia đình nào đầy đủ thành viên ngồi quây quần bên nhau. Nhiều đảng viên, hưu trí trong phố tích cực tham gia vào các tổ Covid-19 cộng đồng, xung phong làm bất cứ việc gì để hỗ trợ công tác phòng chống dịch ở phường.
Mỗi khi ở phường triển khai hoạt động gì, có thông tin gì mới, tôi lại thấy bác tổ trưởng khu nhà tôi (đã ngoài 70 tuổi), đi bộ đến từng nhà để thông báo, phổ biến thông tin và nhắc nhở mọi người thực hiện đúng chủ trương của Nhà nước. Tôi cảm thấy rất ái ngại đến sức khỏe của bác, đề nghị lập nhóm chat để mời cả phố vào trao đổi, có công việc gì chỉ cần bác nhắn thông tin vào nhóm, không cần đi lại vất vả như vậy. Nhưng bác bảo "phố này nhiều người cao tuổi, không biết dùng smartphone nên bác phải đi từng nhà".
Hôm nào cần vận động mọi người ra xét nghiệm sàng lọc, bác lại đi từng nhà kêu gọi mọi người, nếu nhà nào chưa ra bác lại đi gõ cửa rồi đứng gần khu vực xét nghiệm làm công việc giám sát... May mắn là tại nơi tôi ở, bà con luôn nhường nhịn, chia sẻ với nhau nên mọi người tự giác xếp hàng, không tụ tập, tranh giành.
>> Ngăn y bác sĩ bỏ việc trước khi tước chứng chỉ hành nghề
Còn ở ngoài chốt, các hộ trong phố phân công nhau luân phiên ra trực chốt từ sớm, làm việc hết sức nghiêm túc, luôn yêu cầu người không có phận sự không ra, vào; kiểm tra từng người dân trong phố đi ra khỏi khu vực, hỏi rõ đi đâu, làm gì, ghi lại tên, số nhà và mục đích đi ra ngoài. Có người đến sát hàng rào năn nỉ cũng được mời vào trong bóng mát đứng trình bày, sau đó lắng nghe một cách kiên nhẫn...
Trước giờ, chúng ta nghe nhiều, nói nhiều đến sự hy sinh của lực lượng tuyến đầu, như lực lượng vũ trang, đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế...; chúng ta cũng đã nhắc đến đội ngũ cán bộ ở cơ sở gần như dốc toàn sức chăm lo người dân trên địa bàn... Nhưng dường như ít ai nói đến những thành phần khác trong xã hội, cũng đang âm thầm hy sinh.
Đó có thể là các tình nguyện viên, tự nhận các công việc liên quan đến hoạt động phòng chống dịch. Đó là những người phải làm việc, phải ra đường trong lúc mọi người được khuyến cáo nên ở nhà, như phóng viên, nhân viên bán hàng, vệ sinh môi trường, điện lực, cấp nước... Đó là hầu hết các cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở, vẫn đang làm việc ở nhiều hình thức, nhiều công việc, kể cả tình nguyện tham gia hỗ trợ công tác phòng chống dịch.
Phát huy tinh thần "mỗi người dân là một chiến sĩ; mỗi gia đình, tổ dân phố, khu phố là một pháo đài chống dịch", nhiều gia đình đã tạm gác lại những niềm vui riêng mà ở họ đều hướng đến một hạnh phúc chung đó là "mong sớm ngày chiến thắng dịch bệnh Covid-19". Trong đó, các gia đình sống ở khu phố của tôi đang ngày đêm sát cánh cùng với các lực lượng tăng cường triển khai các biện pháp phòng chống dịch để cuộc sống người dân sớm được trở lại bình thường.
Những cống hiến thầm lặng của họ đã và đang thắp lên niềm tin về ngày chiến thắng dịch Covid-19 không còn xa phía trước.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.