"TP HCM đang bước vào giai đoạn giãn cách nghiêm ngặt, "ai ở đâu ở yên đấy", vì vậy chính quyền áp dụng mô hình "đi chợ hộ" để giảm thiểu tối đa lượng người ra đường khi không cần thiết, nhằm kiểm soát dịch bệnh. Đây là một giải pháp hợp lý trong bối cảnh hiện tại, tuy nhiên qua mấy ngày thực hiện, bắt đầu xuất hiện những vấn đề bất cập.
Thứ nhất, cán bộ phường, bộ đội, dân quân... phải đi chợ cho người dân với đủ mọi loại nhu cầu, họ trở thành người giao hàng đến từng ngóc ngách; tổ trưởng dân phố trở thành người thu đơn hàng, công việc vô cùng vất vả. Trong khi đó, người dân cũng có nhiều khó khăn khi phải nghiên cứu các combo có sẵn xem lựa chọn nào mới là phù hợp nhất, một mặt lại phải xoay xở tìm những chỗ đặt hàng khác cho đủ nhu cầu.
Khi tôi nêu ý kiến này, có lẽ nhiều người sẽ bình luận rằng 'mùa dịch này ăn uống kham khổ cũng được, có còn hơn không, đâu thể đòi hỏi đủ đầy được'. Tôi đồng ý với quan điểm đó, nhưng cần nhớ người dân không chỉ có mỗi nhu cầu về đồ ăn. Hiện nay, mỗi phường thường lập sẵn những loại combo khác nhau, đi kèm một danh sách, nhưng thực tế có người chỉ cần một vài thứ chứ không đủ khả năng để mua hết cả combo; hoặc giả cần mua tã, sữa em bé, đồ dùng phụ nữ, đồ vệ sinh cá nhân thì trong combo lại không có, vẫn phải mua riêng bên ngoài vì người mua hộ không thể mua những thứ ngoài danh mục.
Vậy là chúng tôi lại phải lục lọi trong các nhóm chat Zalo để tìm nơi giao những thứ mà "đi chợ hộ" không hỗ trợ được, rồi chờ xác nhận đơn hàng, chờ giao hàng rất lâu. Thực tế, từ nguồn cung hàng hóa tới tay người dân vẫn còn là một khoảng cách tương đối xa trong thời điểm hiện tại. Tôi rất hiểu rằng tình hình dịch bệnh tại TP HCM bộn bề, dân số quá đông, trong khi lực lượng hỗ trợ lại mỏng, không thể nào làm hài lòng hết toàn bộ các gia đình được, nên giờ chỉ có thể chấp hành và chờ đợi".
Đó là quan điểm của độc giả Vân Anh xung quanh câu chuyện "Đi chợ hộ và những tình huống dở khóc dở cười". Do mới triển khai, mô hình "đi chợ hộ" bộc lộ nhiều lúng túng, nảy sinh những tình huống mà cả cán bộ đi mua hàng hộ lẫn người dân không mong muốn. Việc danh sách combo hàng hóa chưa hợp lý, thiếu sự đồng bộ giữa các siêu thị, cửa hàng với cán bộ đi chợ hộ, một số địa phương cục bộ áp dụng các quy định cứng nhắc... là một số những bất cập khiến cả người dân và các lực lượng hỗ trợ gặp nhiều khó khăn.
Nói thêm về những điểm hạn chế của những gói combo "đi chợ hộ", bạn đọc Hoang Tran cho rằng: "Bên tôi ở đưa ra tám gói combo có giá từ 200-400 nghìn đồng cho người dân lựa chọn, nhưng rất nhiều món trong combo mà không phải ai cũng cần đến. Ví dụ như tôi chỉ muốn mua thịt, cá nhưng vẫn phải mua thêm cả mì gói, nước mắm, gạo... và rất nhiều món trong combo, dù bản thân không cần dùng đến. Trong khi đó, nhiều món muốn mua nhưng lại nằm rải rác trong hai, ba combo khác nhau, nếu mua hết sẽ trở thành lãng phí và có nguy cơ phải bỏ đi, và chưa kể vấn đề tài chính không phải ai cũng dư dả để mua nhiều. Do đó, theo tôi, các địa phương nên có phân loại thành combo thực phẩm nhỏ với những hàng hóa người dân thường mua như: combo thịt, cá, hải sản, thủy sản; combo rau, gia vị... để người dân có thể dễ dàng tiếp cận và tránh lãng phí".
>> Tiền ăn ba triệu một tháng để trụ qua mùa dịch
Đồng quan điểm, độc giả Hoàng Kim chia sẻ: "Tôi đã xem qua nhiều loại combo khác nhau. Nhìn chung, giá của các combo khá cao (từ 300-500 nghìn đồng), nhưng chủ yếu là rau củ; thịt, cá mỗi loại nửa kg. Các combo thường có sự lặp lại về các loại gia vị, dầu ăn, mì gói, thậm chí là các loại rau củ. Nếu hình thức này áp dụng dài hạn, thứ nhất, người dân sẽ phải ăn mãi một số loại thực phẩm trong khi siêu thị có đầy đủ hàng hóa phong phú. Thứ hai, nhiều người sẽ phải mua cả những món không có nhu cầu sử dụng hoặc chỉ cần mua một lần dùng cả tháng như dầu ăn, muối, nước mắm... Thứ ba, chúng ta đang thiếu những sản phẩm chuyên dùng cho những đối tượng nhất định như băng vệ sinh, bỉm, sữa, khẩu trang y tế...
Do đó, tôi đề xuất xây dựng lại các combo thành từng nhóm nhỏ: nhóm lương thực, nhóm thịt cá, nhóm rau củ quả, nhóm gia vị, nhóm hóa phẩm, vật dụng sinh hoạt thiết yếu... Mỗi nhóm như vậy sẽ có khoảng 2-3 combo khác nhau cho người dân lựa chọn. Thêm nữa là tăng cường nhân sự được phép đi làm cho các siêu thị, cửa hàng tiện lợi. Họ soạn đơn nhanh do có kinh nghiệm nên sẽ giảm tải cho các lực lượng đi chợ hộ".
Bạn đọc Thu Nguyen bổ sung thêm: "Đi chợ hộ mua theo combo rất tiện cho người mua hộ nhưng cũng khó cho người đặt mua vì họ phải mua nhiều thứ chưa cần đến, trong khi những thứ cần mua thì trong combo lại không đủ. Mua theo đặt hàng riêng lẻ sẽ rất vất vả cho người mua hộ. Vậy nên chăng quy định một siêu thị chỉ bán trong phạm vi một quận, phường; người dân đặt hàng siêu thị, các nhân viên sẽ chọn hàng, họ quen việc nên sẽ nhanh hơn, người giao hàng sẽ là các tình nguyện viên. Làm vậy, người dân vừa mua được hàng như ý mà cũng đỡ vất vả cho các lực lượng mua hộ".
Đề xuất thêm giải pháp giải quyết những vướng mắc của hình thức "đi chợ hộ", độc giả Phùng Đức cho rằng: "Tôi đề xuất phương án đi chợ cho vùng dịch như sau:
- Siêu thị, trung tâm thương mại, nhà cung cấp thiết kế sẵn ba loại hàng hóa: A (thực phẩm); B (vật dụng sinh hoạt); C (thuốc men). Mỗi loại có các mức giá: 50 nghìn, 100 nghìn, 200 nghìn, 500 nghìn đồng... Sau đó, các cơ sở kinh doanh sẽ niêm yết loại hàng, thương hiệu, nhà cung cấp lên website của công ty để người dân lựa chọn.
- Bộ đội, công an, tình nguyện viên... sau đó chỉ cần đi lấy hàng và ship về.
- Với các loại nhu yếu phẩm khác như đồ điện thay thế... không cần niêm yết và việc đi chợ hộ khá đơn giản".
>> Các ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.