Hai vợ chồng tôi đều ở tuổi U40, sinh sống trong một căn nhà nhỏ thuộc vùng ven của Sài Gòn. Chúng tôi có hai con nhỏ đang ở độ tuổi Tiểu học. Sống cùng gia đình còn có cha mẹ vợ tuổi trên dưới 60 cùng một đứa em vợ đang học năm cuối Đại học. Ông bà ngoại làm ăn thất bại, phải bán nhà trả nợ nên ở về đây cùng, vì không có thu nhập. Ngoài ra, tôi còn có cha già (75 tuổi) và các anh chị (đã lập gia đình và các cháu) đang sống gần nhau ở một tỉnh giáp Sài Gòn, cùng gia đình em gái đang ở thuê tại TP Thủ Đức.
Cả hai vợ chồng tôi đều xuất thân trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu trước hụt sau và đều dành phần lớn tuổi trẻ cho việc phấn đấu học hành với mong muốn thoát nghèo. Đến nay, chúng tôi đã đồng hành, nương tựa nhau ở Sài Gòn này cũng đã gần 20 năm. Nhờ siêng năng làm việc, chi tiêu hợp lý, lối sống cũng khá đơn giản, nên thu nhập của gia đình tôi cũng thuộc tầng lớp trung lưu, nếu dựa theo tiêu chí đánh giá của một số tổ chức tài chính.
Tôi làm kinh doanh trong lĩnh vực Công nghệ thông tin, đã hai lần phải chuyển đổi công việc trong năm 2020 và 2021. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, nên doanh nghiệp tôi bắt buộc phải cắt giảm nhân sự, hoặc đối tác kinh doanh cắt giảm chi phí, nên tình hình làm ăn không mấy khả quan. Ngoài công việc chính, tôi có phụ trách một mảng kinh doanh phân phối hàng công nghệ của một đơn vị tư nhân bên ngoài, thu nhập hưởng theo doanh số.
Năm 2020, khi bị cắt giảm biên chế, tôi thất nghiệp gần năm tháng, và phải dựa vào việc kinh doanh tay trái. Tôi có nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp, nhưng thủ tục nhiêu khê, đi lại năm lần bảy lượt, chờ đợi cho đến khi tôi kiếm được việc mới cũng chưa thấy tiền trợ cấp đâu.
>> 'Thất nghiệp ba tháng chưa được nhận tiền trợ cấp'
Đến năm 2021, khi dịch bệnh phức tạp, Sài Gòn giãn cách nghiêm ngặt, việc kinh doanh tay trái của tôi cũng về số "0". Một phần do nhu cầu của khách hàng giảm, phần khác vì không thể giao hàng cho khách, và một số lý do bất khả kháng khác, ví dụ như không thể xuất hàng khỏi kho hoặc không có nhân sự để giao hàng (thậm chí là dùng thuê dịch vụ ngoài nhưng đối tác cũng không nhận)... Bù lại, công việc chính ở đơn vị mới mà tôi vừa vào làm được ba tháng, tuy kinh doanh có ảnh hưởng của dịch bệnh, nhưng ban giám đốc cũng co kéo để nhân viên không bị giảm thu nhập.
Vợ tôi làm quản lý vận hành trong mảng tài chính đã được 14 năm, không quá xuất sắc, nhưng bù lại rất kiên trì, chịu khó và siêng năng, được mọi người tín nhiệm. Trong đợt dịch vừa qua, thu nhập của vợ cũng giảm gần một nửa do đơn vị phải luân phiên giảm thời gian làm việc để vừa đảm bảo an toàn cho đơn vị, vừa tiết giảm chi phí vận hành. Vợ tôi chia sẻ rằng, khối lượng công việc tăng lên khá nhiều do giảm nhân sự nên mọi người phải san sẻ thêm phần của người nghỉ ở nhà.
Tính ra, thu nhập đi làm của hai vợ chồng tôi trong đợt dịch này đã giảm đi 50%, trong khi phải lo chi phí sinh hoạt của sáu người phụ thuộc (gồm cha mẹ vợ, em vợ, hai con nhỏ và cha già ở quê). Chưa kể, tôi còn phải gánh khoản trả nợ ngân hàng trên dưới 20 triệu đồng mỗi tháng do vay mua nhà và đầu tư trước đó.
Nói về thuận lợi, trong gần 15 năm làm việc, chúng tôi đã có một khoản tích góp nho nhỏ. Thay vì mạnh tay tiêu xài, mua ôtô như bạn bè xung quanh, chúng tôi thống nhất tiết kiệm dành để đầu tư dãy nhà trọ ở tỉnh, nơi có khu công nghiệp và nhờ người thân quản lý hộ. Khoản thu hàng tháng từ hoạt động này tương đương với 30% tổng thu nhập gia đình, và chúng tôi không hề động tới, chỉ dùng để trả tiền lãi ngân hàng, mua đất đầu tư.
>> Thất nghiệp ba tháng nhưng không được giảm tiền thuê trọ
Đợt dịch bệnh này lây lan ra các tỉnh lân cận, nên lượng người lao động thất nghiệp, giảm thu nhập tăng cao. Họ đùm túm nhau về quê, dẫn tới tỷ lệ phòng cho thuê của tôi trống lên đến 30%. Ngoài ra, để hỗ trợ người lao động, chúng tôi cũng chủ động giảm 30% tiền phòng, cũng như cho nợ hoặc hỗ trợ thêm cho các hoàn cảnh gặp khó khăn. Cuối cùng, để dự phòng cho các trường hợp bất khả kháng, thời gian vừa rồi, chúng tôi cũng cắt giảm chi tiêu, và dành dụm để tài khoản ngân hàng tương đương với tám tháng thu nhập.
May mắn là công việc chính của chúng tôi vẫn còn được duy trì, khéo co kéo, nên chưa cần phải dùng tới khoản tiết kiệm. Ngoài ra, chúng tôi cũng chủ động gửi tiền trợ giúp chút ít cho anh chị em trong nhà, đóng góp quỹ vaccine và hỗ trợ các trường hợp khó khăn bên ngoài.
Khi tôi đang viết những dòng này, vợ tôi đang thực hiện ba tại chỗ ở cơ quan, cùng với gần 20 chị em khác để hỗ trợ nhân sự của chi nhánh (tự giãn cách ở nhà do có ca nhiễm). Tối đến, khi xong công việc, vợ chồng tôi lại gọi video để trò chuyện, chia sẻ về công việc, động viên các con ở nhà ngoan ngoãn và dành thời gian để tự học thêm. Chúng tôi hy vọng, dịch bệnh sẽ mau qua đi, để mọi người quay lại với cuộc sống thường nhật, có thu nhập trở lại và thật nhiều sức khỏe.
>> Gửi bài chia sẻ về cuộc sống của bạn mùa dịch Covid-19 tại đây.