BS.CKII Trần Đỗ Lan Phương, khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết, đái tháo đường thai kỳ hay tiểu đường thai kỳ là tình trạng lượng đường trong máu cao ở một số phụ nữ trong thời gian mang bầu. Bệnh thường phát triển từ tuần thai thứ 24 - 28.
Người bị đái tháo đường trong thai kỳ có thể chưa từng mắc bệnh từ trước lúc mang thai hoặc sau khi sinh con. Tuy nhiên, đái tháo đường thai kỳ sẽ khiến thai phụ tăng nguy cơ phát triển bệnh đái tháo đường tuýp 2 trong tương lai. Bên cạnh đó, nếu không được điều trị đúng cách, tình trạng này sẽ làm tăng nguy cơ phát triển bệnh đái tháo đường ở trẻ, đồng thời gây ra những biến chứng sức khỏe cho cả mẹ lẫn con.
Bệnh đái tháo đường thai kỳ hiếm khi biểu hiện triệu chứng rõ rệt. Bệnh chỉ được phát hiện trong những lần thăm khám định kỳ của thai phụ nếu có xuất hiện triệu chứng, bao gồm: tiểu nhiều lần trong ngày, mệt mỏi, mờ mắt, khát nước liên tục, ngủ ngáy, tăng cân quá nhanh so với khuyến nghị.
Nguyên nhân
Theo bác sĩ Trần Đỗ Lan Phương, khi chúng ta ăn, cơ thể sẽ phân hủy carbohydrate từ thực phẩm thành một loại đường mang tên glucose. Đường này sẽ đi vào máu và di chuyển đến các tế bào để cung cấp năng lượng cho cơ thể. Bên trong cơ thể có một cơ quan gọi là tuyến tụy tạo ra loại hormone có tên insulin, giúp vận chuyển đường vào các tế bào cũng như làm giảm lượng đường trong máu.
Trong thời kỳ mang thai, nhau thai - cơ quan nuôi và cung cấp oxy cho em bé - tiết ra các hormone giúp thai nhi phát triển. Một vài hormone trong số này khiến cơ thể thai phụ khó sản xuất hoặc sử dụng insulin hơn (còn gọi là đề kháng insulin).
Để giữ lượng đường trong máu ổn định, tuyến tụy của thai phụ phải tạo ra lượng insulin gấp ba lần bình thường. Trong trường hợp tuyến tụy không thể tạo ra đủ insulin, lượng đường trong máu thai phụ sẽ tăng lên, gây ra bệnh đái tháo đường thai kỳ.
Nguy cơ mắc đái tháo đường trong lúc mang bầu sẽ tăng lên nếu thai phụ:
- Bị thừa cân - béo phì trước khi mang thai.
- Tăng cân rất nhanh trong thai kỳ.
- Có người thân (cha mẹ, anh chị em) mắc bệnh tiểu đường tuýp 2.
- Có lượng đường trong máu cao, nhưng chưa đủ để được chẩn đoán đái tháo đường. Hiện tượng này được gọi là tiền tiểu đường.
- Có tiền sử mắc bệnh ở lần mang thai trước.
- Trên 35 tuổi.
- Từng sinh một hoặc nhiều bé nặng hơn 4kg.
- Từng bị thai lưu, sinh con bị dị tật, sinh non.
- Đã hoặc đang bị hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS).
- Thừa cân trước khi mang thai làm tăng nguy cơ tiểu đường thai kỳ.
Chẩn đoán
Bác sĩ Trần Đỗ Lan Phương cho biết, để chẩn đoán các bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra lượng đường trong máu của thai phụ. Thông thường thai phụ sẽ được tầm soát thường quy bằng nghiệm pháp dung nạp glucose trong khoảng thời gian từ tuần thứ 24-28 của tuổi thai.
Trước khi làm xét nghiệm dung nạp glucose, thai phụ sẽ được yêu cầu nhịn ăn (không ăn trong 8 giờ). Tiếp theo, các bác sĩ sẽ lấy máu trước và sau khi các bà mẹ uống một loại chất lỏng có chứa 75 gam đường. Kết quả xét nghiệm sẽ cho biết bạn có bị đái tháo đường thai kỳ hay không.
Biến chứng nguy hiểm
Theo bác sĩ Trần Đỗ Lan Phương, bệnh đái tháo đường thai kỳ không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe thai phụ mà còn tiềm ẩn một số nguy cơ cho em bé như:
Tăng trưởng quá mức và thai to: Lượng đường trong máu cao hơn bình thường ở người mẹ là nguyên nhân khiến thai nhi phát triển quá nhanh, dẫn tới cân nặng lúc sinh khá to (thường là trên 4kg). Thai quá lớn sẽ dễ gặp phải chấn thương trong lúc sinh hoặc không thể sinh thường.
Sinh non: Lượng đường trong máu cao làm tăng nguy cơ chuyển dạ sớm và sinh con trước ngày dự sinh của thai phụ. Hoặc thai phụ được khuyến nghị sinh sớm vì em bé đã quá lớn.
Khó thở nghiêm trọng: Trẻ sinh non từ những bà mẹ mắc bệnh có nguy cơ gặp phải hội chứng suy hô hấp - một tình trạng gây khó thở.
Lượng đường trong máu thấp (hạ đường huyết): Đôi khi, em bé sinh ra từ mẹ bị tiểu đường khi mang thai sẽ đối diện với tình trạng lượng đường trong máu thấp ngay sau khi chào đời. Không chỉ vậy, những đợt hạ đường huyết nghiêm trọng còn có thể gây co giật cho bé. Cần cho bé ăn ngay hoặc truyền dung dịch qua đường tĩnh mạch nhằm đưa lượng đường trong máu của bé trở lại bình thường.
Dị tật bẩm sinh.
Tử vong ngay sau sinh.
Tăng hồng cầu, vàng da sơ sinh.
Nguy cơ béo phì và bệnh tiểu đường tuýp 2 khi trưởng thành.
Thai chết lưu: Đái tháo đường thai kỳ nếu không được kiểm soát tốt có thể khiến thai nhi tử vong trước hoặc ngay sau khi sinh.
Trong khi đó, đối với thai phụ bị đái tháo đường trong thai kỳ, các biến chứng sức khỏe có thể xảy ra là:
Tăng huyết áp khi mang thai và tiền sản giật: Đây là hai biến chứng nghiêm trọng của thai kỳ, có thể đe dọa tính mạng cả mẹ và con.
Sinh mổ: Vì em bé quá to không thể sinh thường, nên nhiều khả năng bạn sẽ phải sinh mổ nếu bị tiểu đường thai kỳ.
Tăng nguy cơ sinh non.
Tăng nguy cơ sảy thai tự nhiên
Tăng nguy cơ nhiễm khuẩn đường tiết niệu.
Mắc bệnh đái tháo đường trong tương lai: Bạn có nguy cơ gặp lại tình trạng này trong lần mang thai tiếp theo. Không chỉ vậy, bạn còn có nguy cơ mắc đái tháo đường tuýp 2 khi về già.
Phương pháp điều trị
Bác sĩ Trần Đỗ Lan Phương nhấn mạnh, những đối tượng được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ cần kiểm soát lượng đường trong máu của mình và duy trì ở mức an toàn. Cách làm này sẽ giúp bảo vệ sức khỏe cho mẹ và ngăn ngừa biến chứng lên con trẻ. Dưới đây là những điều mà các thai phụ cần thực hiện, chẳng hạn như:
Tuân thủ chế độ ăn có lợi cho người bệnh đái tháo đường
Chế độ ăn này phải đáp ứng được hai yêu cầu: duy trì lượng đường trong máu ở giới hạn an toàn, nhưng vẫn cung cấp đủ calo và chất dinh dưỡng cho sự phát triển của thai nhi.
Bên cạnh đó, bạn nên duy trì cân nặng hợp lý, tránh tăng cân quá mức trong thai kỳ bằng cách dung nạp lượng calo vừa đủ, từ 2.200 - 2.500/ngày nếu có cân nặng trung bình. Nếu bạn thừa cân, con số này sẽ giảm xuống khoảng 1.800 calo/ngày.
Cách cân bằng chế độ ăn thường được các chuyên gia dinh dưỡng khuyên dùng. Cụ thể:
- 10 - 20% lượng calo đến từ các nguồn protein (động vật và thực vật);
- Ít hơn 30% lượng calo đến từ chất béo chưa bão hòa;
- Ít hơn 10% calo đến từ chất béo bão hòa;
- 40% calo còn lại đến từ carbohydrate...
Tập thể dục nhiều hơn
Nếu sức khỏe của bạn và em bé đều ổn, bác sĩ có thể đề nghị bạn tập thể dục nhiều hơn. Điều này sẽ giúp cơ thể bạn sản xuất và sử dụng insulin hiệu quả hơn, từ đó kiểm soát tốt lượng đường trong máu. Bác sĩ Lan Phương cho biết thêm, các bà mẹ hãy cố gắng thực hiện các bài tập ở mức độ từ nhẹ đến trung bình trong 15 - 30 phút vào hầu hết các ngày trong tuần. Nếu chưa rõ về những bài tập phù hợp với mình, hãy hỏi ý kiến chuyên gia.
Kiểm tra lượng đường trong máu
Các thai phụ sẽ được hướng dẫn cách tự kiểm tra lượng đường trong máu thường xuyên, trước và sau bữa ăn 1 - 2 giờ. Việc làm này nhằm đánh giá hiệu quả của quá trình điều trị, xem cơ thể bạn có đáp ứng tốt với phác đồ của bác sĩ hay không.
Uống thuốc
Nếu lượng đường trong máu của các thai phụ vẫn cao dù đã thay đổi lối sống và chế độ ăn, bác sĩ sẽ được kê toa thuốc tiểu đường nhằm kiểm soát lượng đường trong máu và bảo vệ thai nhi. Tiêm insulin cũng là liệu pháp được cân nhắc sử dụng.
Lập biểu đồ sự phát triển của thai nhi
Để giảm thiểu tối đa biến chứng cho mẹ và bé do tình trạng đái tháo đường thai kỳ gây ra, bác sĩ Lan Phương nhấn mạnh tầm quan trọng của việc theo dõi sát sao kích thước của em bé trong những tuần thai cuối. Nếu thai nhi phát triển quá lớn, bạn có thể được đề nghị chấm dứt thai kỳ sớm hơn so với ngày dự sinh (với điều kiện thai phải đủ 37 tuần trở lên).
Sau khi bạn vượt cạn an toàn, bác sĩ sẽ kiểm tra để đảm bảo lượng đường trong máu của bạn đã trở lại bình thường. Tiếp đó, bạn cần kiểm tra lại đường huyết sau 4-12 tuần sau khi sinh và định kỳ mỗi năm.
Hà Vũ