Để so sánh một bà bán xôi thu nhập 50 triệu mỗi tháng và một người có bằng cử nhân đại học làm việc với mức lương tháng 7-8 triệu, tôi xin phân tích như sau:
1. Về vị trí trong mô hình kinh tế với khách hàng
Tôi chắc chắn, bà bán xôi quan trọng hơn một người có cử nhân đại học bình thường. Theo tháp nhu cầu của Maslow của con người thì nhu cầu về sinh học bao gồm ăn, uống, mặc... là những thứ cơ bản, không thể thiếu và có thị trường vô cùng rộng lớn, bất chấp thời kỳ nào.
Trong khi đó, các cử nhân đại học thường phục vụ khách hàng với những nhu cầu cao hơn mà không tập trung vào các nhu cầu cơ bản (tất nhiên vẫn có nhiều ngành khác phục vụ trực tiếp như thực phẩm, thuốc men...). Điều này làm cử nhân đại học có phần thất thế, thua thiệt với việc tiếp cận khách hàng, để có thể đưa ra giá trị hàng hóa (khi làm chủ chuỗi thực thẩm, thức ăn và có độc quyền ở mức độ nhất định bạn có quyền tự đưa ra giá trị).
Khách hàng không phải là lúc nào cũng cần tới dịch vụ, sản phẩm của một người có bằng cử nhân, nhưng sẽ luôn luôn và trực tiếp cần tới "gói xôi" mỗi ngày. Tức là nhu cầu của khách hàng đã quyết định họ ưu tiên bỏ tiền ra cho ai trước tiên. Sẽ có người nói rằng, chính trong gói xôi ấy đã có thành quả của nhiều nhà khoa học, của cử nhân như "di truyền học", hóa học, sinh học... để tạo ra hạt gạo, hạt cơm xôi... nhưng tại sao giá trị dành cho bà bán xôi vẫn cao hơn? Điều đó dẫn tới lý do so sánh tiếp theo.
2. Về vị trí trong mô hình sản xuất kinh tế
Tôi vẫn nghiêng về quan điểm bà bán xôi có vị thế cao hơn. Vì trong dây chuyền sản xuất ra gói xôi, bà bán xôi ở điểm cuối của việc phân phối sản phẩm tới tay khách hàng. Trong khi các cử nhân đại học, các nhà khoa học... họ lại ở điểm đầu để cung cấp dịch vụ đầu vào cho nông dân, nông dân lại cung cấp nguyên liệu cho điểm đầu của bà bán xôi. Tức là trong mô hình quyết định giá trị kinh tế của việc sản xuất gói xôi, bà bán xôi đã nắm toàn bộ lợi thế. Nói cách khác, hệ thống ăn theo kia, điểm đầu kia không có quyền quyết định được giá trị, tỷ lệ phần trăm họ hưởng, mà phụ thuộc vào việc "trích phần trăm" của bà bán xôi.
Đương nhiên, khi có quyền làm chủ hệ thống của mình, bà bán xôi có xu thế trả công cho mình cao hơn những người kia. Đó là lợi thế của việc làm chủ chuỗi hệ thống. Thậm chí, nếu chi phí trả công cho hệ thống đầu vào cao, bà bán xôi có quyền nghiên cứu tìm nhà cung cấp khác, hoặc thuê người khác, hoặc tự làm để giữ lại phần lợi nhuận có giá trị nhất cho mình. Trong khi phần lớn những người làm có bằng cử nhân chỉ đứng phía sau các ông chủ, hệ thống sale... Đó là lý do khiến cử nhân đại học vẫn thua thiệt. Vẫn chỉ ở câu "làm chủ hơn làm thuê".
>> Bà bán xôi giỏi hơn cử nhân đại học?
3. Có phải ai bán xôi cũng sẽ có giá trị cao hơn cử nhân?
Đáp án là "không". Vì vẫn có những cử nhân đại học làm chủ hệ thống sản xuất kinh doanh kết hợp với việc tự kinh doanh trực tiếp với khách hàng bằng những dịch vụ, sản phẩm cần thiết. Ví dụ như lĩnh vực giáo dục (hiệu trưởng các trường có quy chế tự chủ, tự kinh doanh, hay trường tư thục...), như lĩnh vực sức khỏe (có ai không chi tiền khi đi khám bệnh viện?), hay họ đứng ra trực tiếp kinh doanh, xây dựng hệ thống trực tiếp cạnh tranh với bà bán xôi, cung ứng thực phẩm cho bữa ăn của khách hàng... Lúc này, với tư cách làm chủ hoặc người có vị trí cao trong một hệ thống sản xuất kinh doanh có ưu thế quyết định, giá trị họ tự trả cho họ cao hơn rất nhiều thu nhập của bà bán xôi.
4. Mô hình kinh tế bầy đàn
Các bạn có thấy khi thú đi săn, con đầu đàn sẽ chỉ huy và gần như sẽ quyết định thành quả của cuộc săn không? Không những thế, con đầu đàn sẽ được ăn trước, sự phân cấp tiếp theo sẽ chia theo địa vị xã hội của kẻ đi săn đó với mô hình tổ chức bầy đàn kia. Trong đàn sói, con sói đầu đàn được ăn trước, được chỉ đạo... Nhưng những con sói có địa vị thấp thường ăn sau chỉ ăn được các phần xương xẩu, da thừa...
Mô hình tổ chức sản xuất kinh tế của con người cũng vậy. Người lãnh đạo, có vị trí cao trong các công ty, người có ảnh hưởng lớn tới khách hàng... sẽ có được phần lương thưởng xứng đáng với vị trí của họ. Còn khi các bạn đứng sau hệ thống, tham gia hệ thống ở những vị trí ít giá trị, địa vị thấp... thì dù giỏi cỡ nào, bạn vẫn là kẻ phụ thuộc. Người đầu tiên sẽ bị đuổi khỏi hệ thống là những vị trí phía sau này, ít giá trị, nếu như có biến động làm mô hình kinh tế bầy đàn phải thu nhỏ để đảm bảo mối cân bằng giữa "kẻ đi săn và con mồi".
Vậy là, giá trị kinh tế của mỗi người nằm ở vai trò của họ trong hệ thống kinh tế chứ không phải ở bằng cấp.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.