"Anh trai tôi có hai bằng đại học về kinh tế và kinh doanh. Tốt nghiệp ra trường, anh về mở cơ sở sản xuất, kinh doanh riêng. Mọi người cười nhạo anh rằng học cho cố rồi về mở cửa tiệm mà vẫn không hoành tráng bằng chủ tiệm khác chỉ học lớp 5.
Nhưng sau 10 năm, người kia chỉ còn một cửa tiệm vì không quản lý nổi nhân viên và chất lượng sản phẩm làm ra. Rồi sổ sách kế toán gian lận, thu chi thất thoát, khách hàng không tin tưởng, bỏ đi dần. Trong khi đó, hệ thống của anh tôi nay đã phát triển thành hơn 20 cửa hàng, quản lý bằng công nghệ rất bài bản. Chất lượng sản phẩm ổn định, chăm sóc khách hàng chu đáo. Sổ sách kế toán, thu chi rất khoa học, lương nhân viên cũng tốt nên họ không có ý đồ xấu và cũng không dám khuất tất.
Bản thân tôi cũng có hai bằng về chuyên môn kỹ thuật. Mùa dịch, ngành này gặp khó khăn thì tôi giảm bớt, và tập trung cho ngành kia. Làm đúng ngành hay không chưa cần biết nhưng tôi tin đường đi nước bước, thái độ đối với công việc của người có kiến thức chắc chắn vẫn có nét riêng".
Đó là quan điểm của độc giả Trúc Ngọc xung quanh câu chuyện "giá trị của bằng đại học". Thực tế, ngày nay, nhiều bạn trẻ đang có suy nghĩ rằng chỉ cần thạo việc và kiếm tiền ổn là được, bằng đại học có hay không chẳng quan trọng. Không ít người vin vào cái cớ tỷ lệ sinh viên thất nghiệp sau khi ra trường tăng cao mà đánh đồng việc học đại học là vô nghĩa.
Cũng có cái nhìn tích cực về giá trị của tấm bằng đại học, bạn đọc Luật sư Thỏa cho rằng: "Học đại học là học tư duy, còn học nghề là học kỹ năng. Người học đại học có thể học một ngành nhưng lại có thể làm được công việc trái ngành đó. Vì sao vậy? Vì những người học đại học được đào tạo về tư duy, do vậy nếu đẩy họ sang làm một công việc trái nghề thì vẫn làm được vì bản thân đã có khả năng tư duy. Còn người học nghề nào sẽ chỉ làm được nghề đó, nếu đưa họ làm một công việc mà họ chưa được dạy thì chắc chắn sẽ không làm được.
Tôi vẫn thường hay khuyên những người quen của tôi có con chuẩn bị thi đại học rằng hãy cố gắng cho các cháu vào đại học. Nếu học tốt thì thi vào trường tốt, nếu sức học trung bình thì vào các trường dân lập, tuy việc đào tạo chất lượng chưa bằng trường công, nhưng vẫn hơn là học nghề.
Tôi cũng khuyên con mình cố gắng học tốt để sau này vào được đại học, vì học đại học là con đường dễ dẫn đến thành công hơn. Tôi nói với con rằng nếu lấy 100 người học đại học và 100 người học hết cấp ba để so sánh, thì tỷ lệ người học đại học thành công sẽ cao hơn, nếu không họ cũng sẽ có công việc và nhập tốt hơn.
Do vậy, để đánh giá việc học đại học hay không học thành công hơn, chúng ta phải so sánh số đông, đừng vì chỉ thấy vài người đặc biệt không học đại học thành công mà cho rằng điều đó đúng với mọi người".
>> Muốn lương cao, hãy bắt đầu từ đại học
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc học đại học, độc giả Vuvantinh khẳng định: "Để thành công trong kinh doanh, người ta chỉ cần 4% kiến thức, 26% công cụ. Còn 70% là do cảm xúc. Thực tế có rất nhiều cử nhân tốt nghiệp loại giỏi nhưng đứng trước đám đông thì ấp úng, khó tạo cảm xúc. Trong khi đó, có những bạn chỉ cần học hết cấp ba, nhưng lại rất có năng khiếu tạo cảm xúc khi tiếp xúc trước đám đông.
Tuy nhiên, theo tôi, các bạn học đại học là những người được đào tạo bài bản hơn nên hãy tập trung rèn luyện kỹ năng giao tiếp, rèn luyện cách truyền đạt để tạo cảm xúc cho mọi người. Tôi có một bạn học rất giỏi, nhưng rất nhút nhát, đứng trước đám đông thì đỏ mặt và chẳng biết nói gì. Nhưng sau đó, bạn nhận ra rằng để đi đến thành công thì phải biết tạo cảm xúc. Sau một thời gian rèn luyện, đứng trước gương tự thuyết trình để điều chỉnh, thậm chí còn ghi âm lại trong điện thoại để chỉnh sửa, đến giờ bạn đã là một CEO thực sự đáng nể.
Tóm lại, người học đại học mà chăm chỉ rèn luyện thì sự thành công ở mức không có giới hạn. Còn người không học đại học mà chỉ có năng khiếu tự nhiên thì thành công sẽ có một giới hạn nhất định mà thôi".
Rất nhiều người nhận ra mình không phù hợp với chuyên ngành học trước khi ra trường và có những hướng đi khác. Nhưng cũng có những bạn đam mê thật sự, không ngừng cày cuốc và trở thành những tên tuổi ra trò trong nghề khi tốt nghiệp. Người này không thành công trong lĩnh vực học, không có nghĩa người khác cũng vậy. Nhiều bạn trẻ chỉ nhìn thấy những cử nhân ra trường thất nghiệp mà không thấy những sinh viên xuất sắc start-up từ năm ba, năm bốn.
Chỉ ra những tư duy lệch lạc cần thay đổi về tấm bằng đại học, bạn đọc Adolkhoa nhận định: "Có một điều bất cập là hầu hết các sinh viên tốt nghiệp đều không hiểu ý nghĩa của tấm bằng đại học. Đại đa số họ cầm tấm bằng ra trường và xem như là mình đã giỏi, một số ít học rất giỏi, khi tốt nghiệp đều nghiên cứu lĩnh vực chuyên sâu hoặc làm trong những môi trường của công ty lớn đa quốc gia. Còn phần đông số còn lại không muốn hoặc ít chịu học hỏi thêm. Những nhóm này thiếu nhiều kỹ năng mềm hoặc không chuyên sâu. Khi không xong việc, họ đổ thừa hệ thống.
Hiện nay, quản đốc các nhà máy ở công ty tôi đều không có bằng đại học, họ từ tổ trưởng đi lên, nhưng kiến thức rất tốt. Do đó, tôi nghĩ, các bạn trẻ không chịu học đại học, muốn học nghề cũng là điều hay, nhưng quan trọng là phải hiểu xã hội của chúng ta nhìn nhận bằng đại học rất quan trọng. Muốn thành công mà không bằng cấp, bạn phải chứng tỏ mình giỏi hơn những người có bằng đại học và không ngừng học tập để bổ sung kiến thức.
Theo quan điểm của tôi, học ở đâu không quan trọng, cái chính là bạn không được ngừng học hỏi. Bỏ đi quan niệm học đại học để có tấm bằng, ra trường có việc làm, làm nhà nhà cho con vào đại học, người người phải có bằng, mà không biết học để làm gì? Để rồi từ đó, không ít người đem theo tư tưởng có bằng đại học là giỏi hơn những người không có bằng. Ở đây, tôi không hề phủ nhận giá trị của việc học đại học, nhưng chúng ta cần thay đổi nhận thức về tấm bằng tốt nghiệp để có cái nhìn đúng đắn".
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.