Gần đây, tôi thấy nhiều người tranh luận trái chiều xung quanh câu chuyện "Bà bán xôi và cử nhân đại học, ai giỏi hơn?". Theo dõi bình luận của độc giả, tôi thấy mọi người đang chia làm hai luồng đánh giá. Một bên cho rằng bà bán xôi thu nhập 50 triệu mỗi tháng giỏi hơn cử nhân đại học với mức lương làng nhàng bảy triệu. Số khác lại cho rằng, bà bán xôi có thể kiếm tiền giỏi hơn nhưng không đem lại giá trị vệ mặt tri thức cho xã hội.
Tôi cũng là một cử nhân đại học, tốt nghiệp một trường đại học khá danh tiếng trong nước, và giờ đang có thâm niên 15 năm làm kỹ sư. Gắn bó với đúng chuyên ngành được đào tạo kể từ lúc ra trường, nhưng mức lương của tôi tới giờ cũng chỉ loanh quanh 15 triệu đồng mỗi tháng.
Đứng ở vị trí của mình, đương nhiên tôi coi trọng trình độ học vấn cũng như bằng cấp chuyên môn. Giới tri thức như chúng tôi, dù có thể kiếm tiền không giỏi bằng dân kinh doanh, nhưng giá trị đem lại cho xã hội là rất lớn. Đây chính là lực lượng thúc đẩy văn minh của nhân loại, bởi xét cho cùng, tri thức vẫn luôn là nền tảng phát triển của bất cứ một xã hội nào (từ cổ xưa đến hiện đại).
Thế nhưng nói như vậy không có nghĩa là tôi coi thường những người kinh doanh (như bà bán xôi). Bạn bè cấp ba của tôi không ít đứa rẽ ngang lập nghiệp. 20 năm sau, khi gặp lại nhau, nhiều người trong số đó nay đã thành ông chủ, bà chủ, có cửa hàng, doanh nghiệp riêng, doanh thu mỗi tháng có khi bằng tiền lương cả năm của tôi cộng lại. Thậm chí, nhiều cử nhân đại học lại trở thành nhân viên của họ. Với tôi, những người bạn đó không hề thất bại hay thấp kém, chỉ là họ thành công theo cách khác mà thôi.
Vậy câu hỏi mà chúng ta vẫn đang đặt ra: giữa một cử nhân (lương bèo bọt) và một người kinh doanh (học vấn thấp), ai giỏi hơn? Câu hỏi này cũng chẳng gì việc bạn thắc mắc giữa Bill Gates và Albert Einstein, ai giỏi hơn vậy. Rất khó để đem so sánh họ, bởi đơn giản giá trị mà họ tạo ra hoàn toàn khác nhau. Một bên giỏi kiếm tiền, còn bên kia giỏi tri thức. Người trí thức đâu thể chuyên tâm vào công việc chuyên môn nếu không có lực lượng kinh doanh, phục vụ họ những nhu cầu thiết yếu của cuộc sống. Ngược lại, người kinh doanh đâu thể tồn tại nếu không có khách hàng hay nhân viên cấp dưới (chính là giới trí thức).
>> Bà bán xôi kiếm 50 triệu đồng mỗi tháng
Tôi thừa nhận trong xã hội hiện nay, đang xuất hiện những đánh giá có phần tiêu cực về năng lực của một con người. Nhiều người trọng bằng cấp, đánh giá người khác qua trình độ học vấn. Chính cha vợ tôi trước đây từng hỏi tôi một câu trong ngày đầu ra mắt rằng: "Cậu tốt nghiệp trường nào, đang làm việc gì?". Trước tôi, ông từng từ chối nhiều chàng trai khác vì không có bằng cấp, công việc ổn đỉnh, mà theo cách nói của ông là "lông bông".
Ngược lại, tôi cũng chứng kiến không ít người đánh đồng năng lực cá nhân với khả năng kiếm tiền. Bạn bè tôi nhiều năm mới họp lớp, câu mà ai cũng hỏi nhau là "lương tháng bao nhiêu?". Tôi đi chúc Tết họ hàng, cũng không ít người dò hỏi về số tiền kiếm được. Với họ, người thành công là người kiếm được nhiều tiền, dù có đi bán xôi, bán trà đá mà mua được nhà lầu, xe hơi vẫn còn hơn đứa nhân viên văn phòng lương ba cọc ba đồng, lo ăn từng bữa.
Nói vậy để thấy, quan điểm trong xã hội cũng phân cực, nên rất khó để nói thế nào mới là đúng, thế nào là sai? Tất cả tùy thuộc vào nhân sinh quan của mỗi người. Tuy nhiên, dù thế nào đi nữa, tôi vẫn tin rằng, chỉ trọng bằng cấp hay tiền bạc cũng đều là phiến diện. Một xã hội muốn phát triển luôn phải đảm bảo hai yếu tố song hành là của cải vật chất và tri thức. Đó là lý do có sự phân hóa giai cấp, tâng lớp.
Điều quan trọng hơn cả là bạn cần biết mình phù hợp với vị trí nào và ngồi cho đúng chỗ. Đừng bắt một bà bán xôi đi làm nghiên cứu khoa học bởi họ làm gì có khả năng về học vấn. Cũng đừng yêu cầu một nhà khoa học vấn chỉ giỏi nghiên cứu đi bán xôi bởi họ nào có năng khiếu bán hàng. Xã hội cần cả những trí thức tài ba và những bà bán xôi giỏi. Giá trị một con người nằm ở chính việc bạn tìm đúng chỗ đứng của mình trong xã hội và làm tốt công việc của mình.
Tôi vừa nhận được lời mời về làm việc cho một đứa bạn thân thời cấp ba của mình. Tự thân lập nghiệp sau khi tốt nghiệp phổ thông, giờ doanh nghiệp của bản đã lớn mạnh và có tiếng trên thị trường. Có lẽ tôi sẽ nhận lời đề nghị đó bởi bạn coi trọng năng lực của tôi, còn tôi tin kiến thức chuyên môn của mình sẽ giúp ích được cho doanh nghiệp của bạn phát triển. Và chắc chắn rằng, chúng tôi chẳng bao giờ coi đối phương là thấp kém.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.