"Bố tôi lăng nhăng, lấy nhiều vợ, mẹ tôi làm nông nuôi ba con. Nhà tôi nghèo nhất làng thời đó. Tôi đi khai giảng chỉ mặc cái áo lành lặn duy nhất của mẹ. Em trai tôi bỏ ngang khi đang học lớp 11 dù ai nói gì cũng không nghe, nhất quyết đòi đi làm thợ hồ. Rồi em theo cánh thợ đi khắp nơi.
Một ngày, em bị sốt virus nằm trong cái lán công trình ở ven đường, không ai kiếm cho nổi bát cháo vì khu vực hoang vu. Em viết thư cho tôi sau khi ngồi được dậy vì khi đó không có điện thoại di động như bây giờ. Em bảo "giờ không biết cuộc đời mình sẽ ra sao?". Em hối hận vô cùng vì quyết định bỏ học.
Khi đó, tôi đang học Đại học Sư phạm năm thứ ba. Tôi hỏi em "có muốn đi học lại không?", em nói "có". May mắn thay, có trung tâm giáo dục thường xuyên ngay cạnh trường đại học đồng ý nhận em vào học lại, bắt đầu từ năm lớp 11 và còn giảm một phần tiền học phí. Cứ thế, chị em tôi đi làm thêm đủ nghề để tồn tại chứ không phải để sống.
Rồi tất cả cũng qua, dù sau đó em thi trượt đại học Bách Khoa, nhưng vẫn học thêm tin học và ra đi làm. Giờ em đã là giám đốc của một chi nhánh nhỏ chuyên sản xuất đồ cơ khí xuất khẩu".
Đó là chia sẻ của độc giả Hồng xung quanh câu chuyện "Bỏ học vì nghèo". "Đói chữ chẳng bằng đói cơm", "Văn hay chữ tốt không bằng thằng dốt lắm tiền" – đó là cách suy nghĩ vẫn còn tồn tại ở một số cha mẹ trong thời đại này. Đối với họ, lợi ích kinh tế trước mắt quan trọng hơn rất nhiều việc đầu tư cho con học hành. Điều tất yếu xảy ra là trong số những thanh niên Việt Nam không được đi học trung học, có tới gần một nửa bị đói nghèo ngăn bước đến trường.
Là người có được thành công nhờ quyết tâm đi học đến cùng, bạn đọc Anh Đào kể lại: "Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình không hạnh phúc: ba cặp bồ, mẹ ly dị khi tôi mới được 20 tháng tuổi. Tôi sống với mẹ. Nhà nghèo, mẹ học hết lớp 5, giờ đi bán hàng rong sống qua ngày. Nhưng cực khổ đến mấy, mẹ vẫn cố gắng cho tôi đi học.
Thời phổ thông, tôi học trường chuyên của tỉnh, cách nhà 40 km, phải ở ký túc xá. Nhiều lúc, tôi không có tiền ăn uống đàng hoàng, nên phải mua cơm không, rồi lấy nước lã chan vào mà ăn. Không có xe đạp, tôi toàn đi bộ. Suốt ba năm cấp ba, tôi chỉ có một bộ áo dài, hai bộ sơ mi. Tôi cũng không có điện thoại, phải xài ké của bạn.
Mẹ tôi hay chửi mắng nhưng cũng vì áp lực cuộc sống nên tôi không dám đòi hỏi gì cả. Học chuyên cũng rất nặng, vì năm lớp 11 đã học xong chương trình lớp 12, năm lớp 12 chỉ luyện thi. Nhưng khi học xong, về ký túc xá, tôi cố gắng dành thời gian giặt đồ mỗi ngày.
Tôi bị họ hàng khinh miệt rất nhiều, họ nói 'nghèo mà chảnh, bày đặt học trường chuyên'. Thế nhưng không gì cản được bước chân tôi đến trường. Học chuyên cạnh tranh khốc liệt, nên tôi trưởng thành nhiều hơn. Vào đại học, chọn trường, thi cử, lên TP HCM, tìm nhà trọ... tôi đều làm một mình.
Tôi đậu Đại học khối C với 25 điểm, đứng thứ năm toàn tỉnh. Thậm chí tôi còn thi thêm khối D, được 22.5 điểm. Chúng ta không có quyền chọn hoàn cảnh mình sinh ra, nhưng có quyền chọn tương lai mình sẽ ra sao? Học vấn không phải là con đường duy nhất đến thành công, nhưng nó là đường ngắn nhất với những ai có hoàn cảnh khó khăn như tôi".
>> 'Nghĩ ngắn' từ chuyện bỏ học đại học vẫn giàu
Đồng quan điểm, độc giả Sơn Khánh Nhân chỉ rõ tính đúng đắn của việc làm giàu bền vững bằng học vấn: "Tôi từng bỏ học năm lớp 10 để đi làm thuê, làm mướn, phụ mẹ, Nhưng đó là chuyện không hề đơn giản. Rồi mẹ kêu tôi đi học lại, vậy là tôi trễ một năm nhưng vẫn tốt nghiệp cấp ba. Ngoài thời gian đi học, tôi làm đủ thứ việc: chài lưới, mò cua bắt ốc, cắt cỏ, hái dừa hái cao... để có tiền vừa học vừa phụ gia đình.
Tôi thi đậu đại học nhưng biết không thể học được, vậy nên tôi chọn học trung cấp điều dưỡng, học ở tỉnh nhà, thời gian hai năm nên sẽ nhanh ra trường và xin việc. Hai năm học, tôi làm rất nhiều việc: giữ xe, bán vé hội chợ, nhặt phế liệu, rửa chén nhà hàng, và phụ hồ... Rồi tôi cũng ra trường, lên thành phố xin việc với bao nhiêu khó khăn vất vả. Tôi học tiếp liên thông đại học rồi sau đại học... Hiện tại, tôi có công việc, thu nhập tốt và một gia đình hạnh phúc".
Theo cuộc điều tra "Nguyên nhân bỏ học của trẻ em Việt Nam", có tới 24% thanh niên cho biết đã bỏ học khi chưa đến 15 tuổi, tỷ lệ bỏ học từ lớp 1-5 là 12%, lớp 6-8 là 21%. Chỉ có 46,3% thanh niên Việt được đi học trung học. Đói nghèo là nhân tố được nhắc đến nhiều nhất gây ra tình trạng bỏ học ở trẻ em lứa tuổi 11-18.
Nhấn mạnh tầm trong trọng của việc học với cơ hội đổi đời trong tương lai, bạn đọc Joie de vivre cho rằng: "Tôi đi du học bằng học bổng. Ở nơi tôi học, sinh viên đại đa số đi bộ, đi xe đạp, không ai đi xe đạp điện cả. Vali 40 kg phải kéo bộ đi 5-7 km là chuyện bình thường. Năm tôi 17 tuổi, cha mất, tôi phải tự lo hết mọi việc: giặt đồ bằng tay, nhà không có điều hòa, vừa học vừa đổ mồ hôi, vừa phụ mẹ việc nhà suốt năm lớp 12.
Tôi hiểu, không có bằng tốt nghiệp cấp ba thì kể cả xin làm công nhân cũng khó. Học nghề cũng đòi hỏi cái bằng cấp ba vì đó là nền tảng phổ cập giáo dục. Thế nên, các bạn đừng nhìn những trường hợp không có bằng cấp mà giàu có, thành đạt, vì họ hiếm hoi nên mới nổi bật. Còn đa số những người không học vẫn cắm mặt trong nhà máy, lấy lương vài triệu đồng. Tóm lại, hãy mở rộng tầm nhìn ra, vui vẻ thích ứng với hoàn cảnh của mình, và bằng mọi giá phải học xong cấp ba".
"Kiên trì học sẽ không bao giờ chết đói", độc giả Nguyễn Mai Thạch khẳng định: "Tuổi thơ của tôi, sáu tuổi đã phải nấu cơm, dọn nhà, trông em; 10 tuổi đi làm thuê; 16 tuổi làm phụ hồ. Tôi cùng cha làm rẫy, nhà tranh vách đất, sáng bữa khoai, chiều cơm trắng chan nước mắm pha loãng. Sách vở phải đi xin, học bằng nền cát, bàn ghế, giường chặt cây về đóng, quần áo chưa bao giờ là đồ mới.
Tôi đi học như vậy nhưng chưa bao giờ tự ti vì mình nghèo. 12 năm liền tôi vẫn đứng nhất lớp. 18 tuổi, tôi chọn trường đại học không phải đóng học phí. Bây giờ, mấy chị em tôi vẫn thành đạt, cả gia đình cũng không còn vất vả như xưa. Chỉ cần siêng năng, kiên trì thì không bao giờ sợ chết đói. Nếu bạn xuất phát kém hơn người khác thì phải chạy, phải cố hơn gấp nhiều lần. Cuộc sống của ta nó chỉ ở trong tay ta, bằng mồ hôi, nước mắt, bằng cả máu của mình nữa".
Lấy ví dụ từ thành công của bản thân, bạn đọc Huân nhắn nhủ: "Thứ nhất, không ai được lựa chọn mình sinh ra trong gia đình nào? Thứ hai, không ai có thể chọn mình sinh ra ở đâu? Thứ ba, không ai được tự đặt tên cho mình. Vì vậy, với những thứ bạn không thể lựa chọn thì làm sao thay đổi được? Bạn chỉ có thể thay đổi chính mình bằng cách phấn đấu mà thôi.
Ngày xưa, nhà tôi cũng rất nghèo, thậm chí nghèo nhất xã. Nhưng trong tôi vẫn khát khao đi học, vì chỉ có con đường học vấn mới cho chúng ta thoát nghèo thôi. Học không nhất thiết phải là đại học, mà có thể học nghề, học ngoài đời sống thực tế. Khi đó, học xong lớp 12, biết nhà nghèo nên tôi không thi đại học, mà ở nhà đi làm, sau đó đi nghĩa vụ quân sự ba năm.
Hoàn thành nghĩa vụ xong, tôi đi làm công nhân hai năm mới thi lại và đi học đại học. Giờ đây, tôi có một cuộc sống tốt hơn rất nhiều. Nếu ngày xưa tôi thấy nhà nghèo, không có cái này, cái kia mà bỏ học, không hoàn thành chương trình lớp 12, thì liệu có ngày hôm nay không? Nói thế để thấy, làm gì cũng cần phải tập trung học hết lớp 12 đã, đừng suy nghĩ, so sánh với người ngoài.
Có những câu hỏi bạn phải tự trả lời:
1. Bạn có muốn cuộc sống tốt hơn không?
2. Bạn có cho phép mình nghèo như bố mẹ không?
3. Nếu không muốn nghèo, bạn phải làm gì?
4. Bạn đã thấy ai đi làm công nhân mà giàu có chưa?
Cuộc sống này là do tự bạn quyết định, bố mẹ cũng không thể quyết định thay. Thế nên hãy có quyết định đúng đắn".
Độc giả Hồng chốt lại sau khi kể câu chuyện em trai bỏ học đi làm phụ hồ ngày xưa , rồi trở thành giám đốc: "Em tôi bảo rằng 'quyết định sáng suốt nhất là quay lại học hết cấp ba'. Giờ nhìn lại, sau 30 năm, điều may mắn nhất khi xưa là chúng tôi đã không bỏ học vì nghèo. Nếu không, khả năng giờ cái nghèo vẫn đeo bám chúng tôi mãi".
Việt Thành tổng hợp
>> Các ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.