Thị trường việc làm ở Việt Nam đang chứng kiến sự lệch pha cung - cầu hơn hẳn mọi năm. Theo số liệu từ Trung tâm dự báo nguồn nhân lực TP HCM, trong quý ba năm nay, gần 77% lao động động tìm việc có trình độ đại học trở lên, hơn 20% lao động có trình độ cao đẳng. Cũng theo báo cáo về nhu cầu tuyển dụng bốn tháng đầu năm 2023, vị trí cho sinh viên mới tốt nghiệp giảm đến 49%. Thống kê năm 2022 tại TP HCM cho thấy 31% người mất việc có trình độ đại học trở lên.
Vậy nguyên nhân là do đâu? Nói về thực trạng cử nhân thất nghiệp gia tăng trong thời gian qua, độc giả Minhthao frances nêu quan điểm:
"Chất lượng đào tạo hệ Đại học sau khi được cải cách ở nước ta đã thay đổi quá nhiều. Việc đi học ở Đại học đang càng lúc càng dễ dàng với người học chứ không còn cạnh tranh khốc liệt như những năm trước. Điều đó một mặt tạo điều kiện để các bạn trẻ có cơ hội học lên cao hơn, nhưng mặt khác, nó cũng tạo ra một hệ lụy vô cùng to lớn về chất lượng của tấm bằng cử nhân.
Thêm vào đó, các trường đại học ngày nay cũng đua nhau mở rộng đào tạo theo hướng đại trà, vô tội vạ, chạy theo số lượng nhằm mục đích thương mại, khiến chất lượng đào tạo cũng bị đặt một dấu hỏi lớn. Khi các em ở thế hệ sau không nhận ra được giá trị bằng cấp, thì tấm bằng cử nhân bây giờ cũng chỉ có giá trị chỉ ngang tầm với bằng tốt nghiệp phổ thông ngày trước.
Xét về ngành học đang 'hot' hiện tại, đa số các bạn trẻ có xu hướng chọn những ngành công nghệ, truyền thông, marketing, thiết kế, đồ họa... nên các trường cũng đua nhau mở những ngành này để cạnh tranh tuyển sinh, bất chấp nó chẳng liên quan đến tên trường và lĩnh vực đào tạo chuyên ban đầu. Trong khi đó, những ngành về công nghiệp lại ngày càng vắng bóng người học, chuyên môn đào tạo chẳng có.
>> 'Không trường đại học nào dạy sinh viên biết làm việc khi mới ra trường'
Tôi thấy rất tội cho các bạn trẻ bây giờ khi phải sống trong thời đại công nghệ hóa, đô thị hóa quá nhanh, nên việc họ bị cuốn theo các trào lưu là điều khó tránh. Bên cạnh đó, có tiền để học là một chuyện, sau khi ra trường, ít bạn trẻ nào làm được đúng những ngành mình được đào tạo vì cung vượt quá cầu.
Số lượng cử nhân những ngành hot ngày một nhiều, trong khi kiến thức, kinh nghiệm chuyên môn thực tế của học lại rất thấp. Cuối cùng nhà tuyển dụng không tìm được người phù hợp, còn lượng sinh viên mới tốt nghiệp đã thất nghiệp cứ không ngừng tăng lên.
Những bạn may mắn thì đỗ vào các trường đại học có tên tuổi lớn, thì giá trị tấm bằng còn được coi trọng. Phần còn lại, những sinh viên sau khi tốt nghiệp ở các trường kém tên tuổi, vẫn chịu cảnh thất nghiệp và chạy xe ôm công nghệ để sống qua ngày.
Tôi cũng làm việc trong mảng nhân sự, tiếp xúc với nhiều thế hệ sinh viên mới ra trường. Tôi thấy rằng, ngoài vấn đề chuyên môn, các bạn trẻ Gen Z bây giờ ít chịu khó học hỏi, sống theo kiểu 'thoái mái bất cần đời', không có trách nhiệm nâng cao chuyên môn. Tất nhiên, cũng có những bạn Gen Z rất giỏi, chuyên cần, thông minh và sáng tạo, nhưng tỷ lệ này lại quá thấp. Đó cũng là một lý do dẫn đến việc sinh viên mới ra trường bây giờ không được tuyển dụng nhiều".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.