Ngày 1/8, ThS.BS.CKII Võ Anh Minh, Trưởng đơn vị Can thiệp Mạch vành - Trung tâm Can thiệp mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết ông Bằng cấp cứu trong tình trạng huyết áp tụt 90/60 mm, chức năng co bóp cơ tim còn 15% (bình thường 50-70%), suy tim nặng. Trước đó, ông sốt cao từng đợt, đi tiêu lỏng trong 4 ngày. Bác sĩ nghi ngờ nhiễm trùng máu dẫn đến sốc nhiễm trùng.
Bệnh nhân được hồi sức tích cực nhưng chuyển xấu, huyết áp tụt giảm sâu, trụy tim. Bác sĩ đặt ECMO (hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể thay thế chức năng tim) để duy trì sự sống.
Ngày thứ ba can thiệp, người bệnh tăng nhịp tim, huyết áp vẫn thấp, được sốc điện và đặt máy tạo nhịp tạm thời. Nhánh mạch máu chính nuôi tim tắc hoàn toàn, nhánh còn lại hẹp nặng. Theo bác sĩ Minh, đây là nguyên nhân khiến bệnh nhân lên cơn nhồi máu cơ tim, biến chứng sốc tim trên nền sốc nhiễm trùng trước đó.
BS.CKII Huỳnh Ngọc Long, Giám đốc Trung tâm Can thiệp mạch, cho biết ê kíp đặt stent trong lúc chạy ECMO để cứu người bệnh. "Đây là bước tiến mới trong lĩnh vực can thiệp tim mạch", bác sĩ Long nói.

Bệnh nhân được đặt stent nong mạch máu tim trong lúc đang chạy ECMO. Ảnh: Bệnh viện Tâm Anh
Trong quá trình can thiệp, tim bệnh nhân gần như ngừng đập, phụ thuộc vào máy ECMO, mạch đo được nhờ máy tạo nhịp.
Ê kíp tiếp cận trái tim từ động mạch quay ở cổ tay thay vì đi đường động mạch đùi như thông thường. Ba stent được đặt sau một giờ giúp mở rộng lòng mạch đưa máu về tim. Sau can thiệp, tim co bóp tốt hơn, nhịp ổn định, huyết áp tăng 110/60 mmHg.

Bác sĩ các khoa Hồi sức tích cực và Can thiệp mạch túc trực bên ngoài phòng can thiệp để ứng phó. Ảnh: Bệnh viện Tâm Anh
Hiện, người bệnh được cai ECMO, chức năng co bóp cơ tim tăng hơn 50%, ngưng máy tạo nhịp tạm thời và tiếp tục được theo dõi tại khoa hồi sức.
Thu Hà
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi.
Độc giả có thể gửi câu hỏi về bệnh tim mạch tại đây để bác sĩ giải đáp.