Ngày 11/4, PGS.TS.BS Nguyễn Đức Hinh, Giám đốc Trung tâm Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết sản phụ bị tai biến sản khoa tắc mạch ối, biến chứng máu không đông. Tắc mạch ối là tình trạng nước ối và các thành phần của nước ối đi vào trong tuần hoàn của người mẹ gây tắc mạch, choáng nặng và rối loạn đông máu.
Chị Ngân mang song thai lần đầu nhờ thụ tinh ống nghiệm (IVF). Tuần thứ 23, bác sĩ siêu âm phát hiện một thai dị tật, phải đình chỉ trong tử cung người mẹ. Tuy nhiên, chị Ngân mang thai đôi nên không thể lấy thai hỏng ra ngoài. Các bác sĩ quyết định vẫn lưu thai đã được đình chỉ trong bụng mẹ, đồng thời song song tiếp tục nuôi dưỡng thai nhi còn lại đến khi đủ cơ hội chào đời.
Chị Ngân tiếp tục theo dõi thai kỳ ở Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh. Tuần thứ 38, tức 15 tuần sau, bác sĩ đánh giá thai kỳ nguy cơ cao, thai nhi còn lại ngôi vai, chỉ định sinh mổ. Bé gái chào đời nặng 2,5 kg, khỏe mạnh. Sau khi đón bé thành công, bác sĩ tiếp tục lấy thai bị đình chỉ trước đó cùng với nhau thai ra ngoài. Lúc này, sản phụ bất ngờ có dấu hiệu tụt huyết áp, nhịp tim nhanh. BS.CKII Đỗ Ngọc Lâm, khoa Gây mê hồi sức, tiêm thuốc giữ huyết áp cho sản phụ.
Khi khâu cơ tử cung, đóng vết mổ, sản phụ khó thở, máu chảy ồ ạt từ tử cung không thể cầm và không có máu đông. Các bác sĩ đánh giá dấu hiệu tắc mạch ối chưa điển hình nhưng xảy ra đột ngột, diễn tiến nhanh, có thể gây suy tim phổi cấp và xuất huyết nghiêm trọng. "Nguy cơ sản phụ đột tử đến 90%, tỷ lệ cứu sống rất thấp", bác sĩ Hinh nói.
Bệnh viện bật chế độ cấp cứu nội viện. Ê kíp hồi sức tích cực có mặt tức thời dùng thuốc nâng huyết áp, nâng mạch, thuốc đông máu, hô hấp nhân tạo, hỗ trợ thở oxy, truyền dịch, truyền máu... để bảo đảm tuần hoàn và hô hấp cho sản phụ. Bác sĩ Hinh liên tục xoa đáy tử cung sản phụ nhằm cầm máu cơ học cho đến khi có máu đông xuất hiện.
Sau hai giờ cấp cứu, chị Ngân dần ổn định sức khỏe, qua giai đoạn nguy hiểm. 7 ngày sau chị xuất viện, không có biến chứng.
Bác sĩ Hinh giải thích chị Ngân tắc mạch ối do thai nhi bị đình chỉ vẫn lưu lại trong tử cung khoảng 15 tuần đã sản sinh ra các độc tố, tăng nguy cơ cho người mẹ và thai nhi còn lại. Khi bánh nhau và thai nhi bị hủy được đưa ra ngoài đã "kích hoạt ngòi nổ" khiến chất độc từ thai hỏng giải phóng vào máu thông qua hệ thống tĩnh mạch, nơi nhau thai bám, gây ra một số phản ứng giống dị ứng. Phản ứng này khiến cơ thể người mẹ bị sốc, đột ngột khó thở, nhịp tim nhanh, thở nhanh và hạ huyết áp.
Tắc mạch ối là một trong những tai biến sản khoa ít gặp, tỷ lệ tử vong cao với biểu hiện đột quỵ, hạ huyết áp đột ngột, suy tuần hoàn. Nước ối chảy vào tĩnh mạch, vào tim, phổi rồi lên não gây suy hô hấp cấp. Thai phụ bị tím tái đột ngột, trụy tim mạch, rối loạn đông máu.
Biến chứng khác của tắc mạch ối là mất máu nhiều, dẫn đến suy gan, suy thận, suy đa tạng, rối loạn đông máu và dễ nhiễm khuẩn hậu sản. Truyền máu điều trị chảy máu sau sinh làm tăng nguy cơ biến chứng.
Triệu chứng tắc mạch ối thường là suy hô hấp, cơ thể tím tái đột ngột trong vài phút, biểu hiện thần kinh như mất ý thức, co giật, sốt, đau tức ngực, tụt huyết áp, phù phổi... Nhiều thai phụ tim ngừng đập, ngừng thở, tử vong nhanh.
Bác sĩ Hinh cho biết sau triệu chứng ban đầu, người bệnh có thể bị đờ tử cung, chảy máu tử cung không cầm được gây phù phổi. Một số trường hợp xuất hiện đông máu rải rác trong lòng mạch.
Các yếu tố nguy cơ gây tắc mạch ối gồm sản phụ trên 35 tuổi, mổ lấy thai, đa ối, đa thai, thai chết lưu, nhau bong non, tiền sản giật... Tình trạng này thường xảy ra trong lúc chuyển dạ, khi mổ lấy thai, sảy thai, chấn thương bụng, chọc hút nước ối, sau khi sinh thường.
Thanh Ba
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh sản phụ khoa tại đây để bác sĩ giải đáp |