Mới đây, BVĐK Tâm Anh TP HCM cấp cứu thành công trường hợp đờ tử cung dẫn đến băng huyết sau sinh. Chị Minh (40 tuổi, TP HCM) sinh con qua ngả âm đạo. Đến giai đoạn rặn sổ thai, sau 45 phút rặn tích cực, chị không thể sinh dù đầu em bé đã xuống thấp. Đánh giá sức rặn của mẹ không đủ, để tránh bé bị ngạt, bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Tâm - Trung tâm Sản Phụ khoa BVĐK Tâm Anh TP HCM, quyết định dùng kỹ thuật giúp sinh bằng forceps. Bé gái chào đời khỏe mạnh, khóc to, sinh hiệu ổn định.
Vì sản phụ lớn tuổi, có nguy cơ băng huyết sau sinh, đội ngũ bác sĩ, nữ hộ sinh dự phòng băng huyết sau sinh bằng thuốc tăng gò, xoa đáy tử cung. Sức khỏe sản phụ ổn định, hồng hào tỉnh táo, tử cung gò khá hơn. Bé được da kề da với mẹ ngay sau sinh.
Không ngoài dự tính, hai giờ sau sinh, sản phụ bất ngờ tụt huyết áp chỉ còn 75/50 mmHg. Đánh giá tình hình nguy hiểm bởi suốt cuộc sinh kiểm soát chảy máu rất kỹ lưỡng, khả năng tử cung co bóp kém, bị đờ từng đợt (lúc co lúc nhão), có thể có ứ đọng máu trong lòng tử cung, bác sĩ Thanh Tâm siêu âm kiểm tra ngay tại phòng sinh. Kết quả cho thấy có khoảng 200 ml máu cục ứ trong tử cung sản phụ.
Tử cung của sản phụ bị đờ, không thể co hồi sau sinh, dẫn đến băng huyết, nguy hiểm đến tính mạng. Bác sĩ lập tức soát lòng tử cung, lấy máu cục; thắt động mạch cổ tử cung 2 bên để giảm tưới máu vào tử cung; đặt bóng chèn mạch máu trong lòng tử cung để cầm máu. Đồng thời, êkip khẩn cấp truyền máu cho sản phụ từ nguồn ngân hàng máu tại BVĐK Tâm Anh. Sau cấp cứu, sản phụ được cầm máu tử cung hoàn toàn, qua cơn nguy kịch, phục hồi sức khỏe.
Ai dễ bị đờ tử cung?
ThS.BS Tâm cho biết, đờ tử cung thường gặp ở sản phụ có nguy cơ cao gồm: sinh đa thai, thai to, sản phụ thể trạng yếu, chuyển dạ nhanh, chuyển dạ kéo dài, tăng co lâu bằng oxytocin, người đa sản, mẹ mang thai trên 35 tuổi, u xơ tử cung... Ngoài ra, sản phụ có cấu trúc tử cung bất thường như u xơ tử cung, nhau tiền đạo, tử cung dị dạng, có sẹo,... cũng dễ gặp tình trạng này. Hiện tượng đờ tử cung cũng có thể xảy ra ở những sản phụ không có yếu tố nguy cơ.
Thông thường, sản phụ chuyển dạ trải qua 3 giai đoạn: mở cổ tử cung, sổ thai, sổ nhau. Sau khi sổ thai, tử cung sẽ dần co hồi lại để giảm thể tích. Do nhau không có tính đàn hồi nên sự thu nhỏ của tử cung sẽ làm cho nhau tróc ra một phần khỏi vị trí bám. Máu từ nơi nhau bám chảy ra tạo thành khối máu tụ sau nhau, chính khối máu tụ này làm cho nhau tiếp tục bong ra. Các cơn co của tử cung sẽ từ từ tống nhau thai ra ngoài. Sau sổ nhau, tử cung bắt đầu tiến trình co thắt, cơ tử cung co rút ngắn lại sẽ siết mạch máu của tử cung ở vị trí nhau bám.

Bác sĩ Thanh Tâm đang phẫu thuật cho sản phụ. Ảnh: Tuệ Diễm
Quá trình tử cung co hồi sẽ siết chặt mạch máu gắn với bánh nhau, giúp ngăn tình trạng chảy máu. Tử cung bị đờ sẽ không co đủ mạnh, máu tiếp tục chảy tự do trong tử cung, xuất huyết qua ngả âm đạo. Do đó, sản phụ bị băng huyết, thậm chí có thể tử vong vì sốc do mất máu nhiều.
Có nhiều nguyên nhân gây đờ tử cung ở sản phụ sau sinh như: chuyển dạ kéo dài, tử cung căng giãn quá mức, hoặc sử dụng một số loại thuốc trước và trong quá trình chuyển dạ. Theo bác sĩ Thanh Tâm, tình trạng này được chẩn đoán khi tử cung có biểu hiện mềm, nhão, xuất huyết nhiều. Đờ tử cung có triệu chứng cảnh báo là chảy máu âm đạo nhiều không kiểm soát được sau khi sinh, tụt huyết áp, tăng nhịp tim, niêm mạc xanh và khám trên bụng ngang rốn trở xuống sẽ không sờ thấy "khối cầu an toàn chắc và to như trái bưởi" do gò chắc của tử cung sau sinh. Diễn tiến nặng có một số biểu hiện của sốc do thiếu máu là: tim đập nhanh, huyết áp thấp, mê man, mất ý thức, mạch đập yếu...
"Tình trạng đờ tử cung ở mỗi sản phụ sẽ khác nhau. Khi đã chẩn đoán, việc điều trị tiếp theo phải được cá thể hóa với từng trường hợp cụ thể phụ thuộc vào lượng máu mất, mức độ đờ tử cung, tình trạng của sản phụ, mong muốn có thêm con sau này...", bác sĩ Thanh Tâm cho biết.
Khi xảy ra tình trạng này, bác sĩ tiến hành xoa đáy tử cung, kích thích co bóp tử cung, dùng thuốc co hồi tử cung. Nếu can thiệp nội khoa không hiệu quả, sản phụ tiếp tục chảy máu, bác sĩ sẽ đặt bóng chèn, phẫu thuật thắt động mạch tử cung, truyền máu. Trường hợp xấu khi mọi can thiệp thất bại, có thể phải cắt tử cung.
Đờ tử cung nếu không can thiệp kịp thời sẽ dẫn đến băng huyết sau sinh, sản phụ có thể tử vong do sốc mất máu. Băng huyết sau sinh là một cấp cứu tối khẩn đòi hỏi bác sĩ sản khoa sự bình tĩnh trong chẩn đoán, đánh giá tình hình và quyết đoán các phương thức điều trị chính xác, kịp thời. Vì thế, cần giám sát nguy cơ đối với tất cả sản phụ.
Suốt thai kỳ, phụ nữ cần có chế độ ăn uống đầy đủ nhằm cung cấp sắt, acid folic để phòng ngừa thiếu máu. Trước sinh, sản phụ nên tập cách thở, cách rặn để tránh chuyển dạ kéo dài. Sản phụ cần được theo dõi sát tại phòng sinh 2 giờ sau sinh để kịp thời phát hiện nguy cơ xảy ra băng huyết, sau đó các đối tượng nguy cơ cao băng băng huyết sau sinh sẽ được theo dõi sat mỗi 6 giờ trong 24 giờ đầu sau sinh.
Đối với sản phụ có tiền sử băng huyết sau sinh, nguy cơ băng huyết ở lần sinh tiếp theo rất cao nên lựa chọn bệnh viện tốt, có đơn vị hồi sức và sản khoa mạnh, có ngân hàng máu sẵn sàng để đảm bảo an toàn trong quá trình sinh nở.
Tuệ Diễm