Chỉ số huyết áp của chị Trương Thị Ngọc Huyên khi nhập viện là 180/100 mmHg (chỉ số bình thường dưới 130/90 mmHg) xét nghiệm protein niệu 3 g/l. Đây là lần mang thai thứ hai của chị, sau 9 năm sinh con đầu lòng. Thai kỳ lần này chị bị phù chân, thường xuyên mệt, đến tuần 34 thì khó thở, mệt nhiều, đau đầu, cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh.
Chỉ số huyết áp của chị Huyên khi nhập viện là 180/100 mmHg (chỉ số bình thường dưới 130/90 mmHg) xét nghiệm protein niệu 3 g/l.
Ngày 7/3, ThS.BS Ngô Thị Bình Lụa, Trung tâm Sản Phụ khoa, cho biết chị Huyên bị tiền sản giật nặng trên nền song thai non tháng. Tiền sản giật là trường hợp cấp cứu trong sản khoa, biểu hiện tăng huyết áp, suy gan thận, mệt mỏi, đau đầu kéo dài. Nếu không can thiệp kịp thời, thai phụ bị co giật, thiếu oxy não, gây tai biến mạch máu não, xuất huyết não ồ ạt, tử vong. Thai nhi có nguy cơ suy, mất tim thai.
Bác sĩ cho chị Huyên dùng thuốc điều chỉnh huyết áp nhưng tình trạng không thể kiểm soát. Ê kíp quyết định mổ cấp cứu đảm bảo tính mạng cho ba mẹ con. Hai bé gái chào đời cân nặng lần lượt là 1,9 kg và 2 kg.
ThS.BS Trịnh Thị Thanh Lan, Trung tâm Sơ sinh, cho biết sức khỏe của một bé ổn định, bé còn lại thở yếu được hỗ trợ oxy ngay tại phòng sinh trước khi chuyển về trung tâm Sơ sinh của bệnh viện chăm sóc, đánh giá sức khỏe.
Hai bé con của chị Huyên sinh non muộn, tức trẻ sinh ra ở thời điểm tuổi thai 34-36 tuần, theo bác sĩ Lan. Trẻ sinh non muộn ít biến chứng tử vong nếu được nuôi dưỡng, chăm sóc tốt, song vẫn có các nguy cơ suy hô hấp, vàng da, nhiễm trùng.
Như trường hợp con chị Huyên, một bé bú chậm cần được hỗ trợ ăn sữa qua thông dạ dày và tập bú, bé còn vàng da phải chiếu đèn, bé còn lại thở mệt, được hỗ trợ hô hấp, chụp X-quang phổi phát hiện dấu hiệu viêm phổi được điều trị kháng sinh. Sau 8 ngày điều trị, sức khỏe hai bé ổn định, xuất viện hôm 1/3.
Hiện nguyên nhân và cơ chế gây ra tiền sản giật vẫn chưa rõ ràng. Một số nghiên cứu lâm sàng chỉ ra tỷ lệ mắc tiền sản giật ở phụ nữ mang song thai cao gấp 2-3 lần so với đơn thai.
Tiền sản giật để lại nhiều di chứng sức khỏe cho mẹ và bé. Với thai nhi, nguy cơ sinh non, thai tăng trưởng chậm, sẩy thai, thai dị tật. Đối với mẹ, tăng huyết áp kéo dài gây suy gan, thận, có thể khiến thai phụ và thai nhi tử vong.
Bác sĩ Lụa lưu ý bệnh chưa có phương pháp điều trị hiệu quả - trong đa số các trường hợp nặng cần phải chấm dứt thai kỳ để đảm bảo an toàn cho mẹ và con. Vì vậy, tất cả các thai phụ cần khám thai định kỳ sàng lọc phát hiện sớm để có kế hoạch dự phòng, theo dõi, bảo vệ thai kỳ cán đích an toàn. Thai phụ có yếu tố nguy cơ cao như mang đa thai, lớn tuổi, có dấu hiệu phù, nhức đầu, chóng mặt, hoa mắt, đau vùng thượng vị, mờ mắt, đi tiểu ít, cần đi viện khám ngay.
Tuệ Diễm
Độc giả đặt câu hỏi về sản phụ khoa tại đây để bác sĩ giải đáp |